Người tốt - việc tốt

Cô giáo 20 năm gắn bó với học trò vùng cao

08:58 - Thứ Tư, 04/11/2020 Lượt xem: 8313 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến Ðiểm trường Na Cô Sa 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) một buổi sớm cuối tháng 10. Trong ngôi nhà cấp 4 đã râm ran tiếng bi bô đánh vần của những đứa trẻ. Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Huệ, người đã có gần 20 năm gắn bó với học sinh, với mảnh đất biên viễn Na Cô Sa.

Cô Nguyễn Thị Huệ với học sinh ở Ðiểm trường Na Cô Sa 2 (Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa). Ảnh: Anh Nguyễn

Sinh tại Ðiện Biên, năm 1997, sau khi học xong chương trình THCS, cô gái trẻ Nguyễn Thị Huệ tình nguyện viết đơn xin đi dạy xóa mù ở xã Phìn Hồ, huyện Mường Nhé (tỉnh Lai Châu cũ). Cô Huệ được phân công về “cắm” tại bản Xà Thề Phìn. Cuộc sống những ngày đầu không chỉ khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, mà giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ theo đường mòn và lội suối. Ðể lớp có trò, cô giáo Huệ phải đến từng nhà, vận động cha mẹ học sinh đưa con em mình đến lớp. Có một lớp ghép 1, 2 với 10 - 15 học sinh, cô Huệ phải mất hàng tuần trời liên tục đi đến từng nhà để vận động. Không chỉ vận  động các em trong độ tuổi đến trường, cô Huệ còn vận động phụ huynh học sinh những ai chưa biết chữ đến học lớp xóa mù vào mỗi buổi tối cũng do chính cô đảm nhiệm. Cứ như vậy ban ngày cô Huệ dạy chữ cho trẻ, tối đến lại thắp đèn, đốt đuốc xóa mù cho phụ huynh. Trong vòng 2 năm cô Huệ vừa dạy học cho trẻ vừa giúp hàng chục người dân ở bản Xà Thề Phìn biết đọc, biết viết.

Năm 2000, khi chương trình dạy xóa mù kết thúc cô Huệ tiếp tục học tập, ôn luyện để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo chính thức, đứng trên bục giảng. Thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên, năm 2003 ra trường cô giáo Huệ về công tác tại Trường Tiểu học Mường Toong số 3, Mường Nhé sau chia tách thành Trường Tiểu học Na Cô Sa, Mường Nhé (nay là Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Ðiện Biên).

Nhớ lại những ngày gian khó, cô giáo Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: Ngày đầu khi mới lên đây mỗi điểm trường chỉ có 1 lớp ghép do một thầy hoặc một cô giáo phụ trách. Lớp học chỉ là những nhà tạm được làm từ tre, nứa, mái gianh không điện, không đường, không nước sinh hoạt. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày đa phần phải dựa vào người dân bản xứ. Muốn ra đến điểm trường trung tâm cũng phải đi bộ trèo đèo, lội suối mất nửa ngày. Cũng vì khó khăn vất vả quá mà một số thầy cô giáo đã bỏ cuộc. Có cô giáo từ Hòa Bình lên nhận công tác chưa đầy một tuần đã bỏ về. Có cô giáo thời gian đầu nhớ nhà nên khóc cả đêm. Nhớ nhất là những ngày giữa tháng 7/2007, khi trở lại điểm trường để dạy hè, mùa mưa nước suối dâng cao, muốn vượt suối phải lấy áo mưa bọc ba lô làm phao, người biết bơi dắt người không biết bơi. Trong lần đó, vì không biết bơi nên cô Huệ bị ngã trôi hết quần áo sách vở; may có thầy giáo đi cùng cứu được người...

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo vùng cao. Cho đến nay, dù điều kiện dạy và học đã được cải thiện phần nào xong vẫn còn nhiều gian khó. Ðường vẫn còn xa và nhận thức của đồng bào vùng cao về chuyện học hành của con cái vẫn cần nhiều hơn nỗ lực hi sinh của các cô để có thể thay đổi dần. Cũng vì thế mà mỗi khi vào điểm bản, ngoài quần áo, sách, đồ dùng giảng dạy, thực phẩm dự trữ cho từ 1 - 3 tuần (cá khô, lạc, trứng, muối, nước mắm, mì chính…) còn có thêm những gói kẹo làm quà cho học sinh, để vận động các em đến lớp chuyên cần.

Ở tuổi 40, nếu như bao người khác, nhẽ ra đã có một gia đình nhỏ, cùng chồng và các con chia sẻ vui buồn, nhưng cô Huệ vẫn chỉ có một mối quan tâm lớn nhất là những học trò vùng cao. Bởi với cô, Na Cô Sa là quê hương thứ hai. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ lớn lên là niềm hạnh phúc của cô.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top