Lên Sơn Tống nghe chuyện “gieo chữ”

08:58 - Thứ Sáu, 20/11/2020 Lượt xem: 7761 In bài viết

ĐBP - “Dốc thầy Thanh, thầy Hùng”, “cầu thầy Chiến”… là tên những địa điểm đặc biệt trên đường “gieo chữ” của giáo viên Trường Tiểu học số 2 Na Tông (bản Sơn Tống, xã Na Tông, huyện Ðiện Biên). Ðặc biệt nhưng không phải là nơi ghi dấu kỷ niệm vui mà là đoạn đường gian nan, khiến nhiều giáo viên từng bị ngã xe, tai nạn. Dù nhọc nhằn, và cả hiểm nguy nhưng bằng lòng yêu nghề, thương trẻ, thầy, cô giáo vùng cao nơi đây vẫn vượt lên tất cả để mang con chữ đến với học sinh các bản giáp biên, với kết quả 100% học sinh tiểu học ra lớp.

Lên Sơn Tống nghe chuyện “gieo chữ”Một giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học số 2 Na Tông, xã Na Tông (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Nguyễn Hiền

Trường Tiểu học số 2 Na Tông nằm trong thung lũng bản Sơn Tống, có 1 trường trung tâm và 3 điểm trường, đón học sinh của 4 bản vùng biên: Huổi Chanh, Sơn Tống, Gia Phú A, Gia Phú B. Năm học 2020 - 2021, Trường có 11 lớp, 245 học sinh (100% học sinh dân tộc Mông), trong đó 59 học sinh bán trú. Nghe tới tên các bản trên, hầu hết mọi người đều e ngại bởi đường đi “nổi tiếng” gian nan, vất vả. Mặc dù thuộc xã Na Tông nhưng để vào được Sơn Tống phải đi đến xã Mường Nhà và tiếp tục 18km đường đất, đường rừng, thêm 15km để đến Gia Phú A, 18km đến Gia Phú B. Và mỗi lần đi đều là kỷ niệm đáng nhớ với thầy cô nơi đây bởi dốc cao, cua gấp, chỉ lất phất mưa là đường trơn như đổ mỡ… Thầy Phạm Văn Việt, xung phong lên công tác tại Trường Tiểu học số 2 Na Tông từ năm 2012 cũng có rất nhiều chuyện để kể về con đường gập ghềnh này. Thầy Việt kể chuyện đi đường, có ngã đau, có trượt dốc, có lăn vực mà rôm rả như chuyện quá đỗi bình thường: “Ngã xe thì dựng lên đi tiếp, rơi xuống vực thì buộc dây kéo lên. Ngã đau thì ít thôi nhưng đổ xe, tím bầm chân tay do đường trơn thì ít nhất mỗi năm mỗi thầy đổ xe vài lần. Năm trước do mưa làm sạt đường, lầy lội, có thầy ngã xe xuống vực, cây cỏ giữ lại nên chỉ rơi xuống khoảng gần 30m, được các thầy khác đi sau dòng dây thừng kéo lên. Thế là rất may rồi vì vực đó sâu khoảng 250m. Khó nhất là các đoạn đường: Huổi Chanh lên Sơn Tống và Sơn Tống lên Gia Phú A, B, vừa dốc vừa cua tay áo liên tục, lúc nào cũng phải cài số 1. Có lần chúng tôi từ Ðiện Biên vào trường trung tâm mất 5 tiếng đồng hồ (khoảng 60km - PV)”.

Ðường “gieo chữ” đối với giáo viên nam còn khó nhọc đến thế, giáo viên nữ lại càng gian nan bội phần. Cô Cà Thị Phương có 10 năm gắn bó với mái trường Tiểu học số 2 Na Tông, đã từng vừa dắt xe vừa khóc bởi giữa đường trời đổ mưa, một mình cô “độc hành”, lại không mang theo xích quấn bánh xe cho đỡ trơn trượt. Năm đó (2010) đường vào Sơn Tống heo hút, cây cối rậm rạp, cô giáo trẻ vừa vào nghề giữ chặt tay lái, nhích bánh xe từng chút lên những con dốc trơn như “đổ mỡ”. Sợ hãi, bất lực làm cô òa khóc giữa rừng nhưng không có cách nào khác là cố gắng đi về phía trước. Cuối cùng đến gần 9 giờ tối, ánh đèn le lói của dãy nhà trường cũng hiện ra trước mắt. Chị Phương kể lại: “Lúc ấy chỉ biết tự động viên mình và nghĩ đến sáng mai học sinh chờ mình lên lớp, nên mỗi lần ngã là lại đứng dậy đi tiếp. Sau chuyến đó thì khó khăn nào trong nghề, đoạn đường đi huy động học sinh ra lớp dù có vất vả thế nào tôi cũng đều vượt qua được. 10 năm gắn bó, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi, mỗi người dân bản đều thân quen và bao học sinh từng dạy tôi đều nhớ”.

Không chỉ đường đi khó mà giáo viên Trường Tiểu học số 2 Na Tông còn thiếu điện sinh hoạt, giảng dạy. Trường được thành lập từ năm 2004, từ đèn dầu, điện nước, máy phát điện chạy bằng xăng, dầu, giáo viên nhà trường đều đã dùng qua. Ðến năm 2014, Trường mới được hỗ trợ 1 bộ phát điện năng lượng mặt trời. Nếu trời nắng thì đủ cho thầy cô thắp sáng vài tiếng buổi tối. Giờ thì đã bớt khó hơn nhờ được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đầu tư cho 6 bộ phát điện, đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu như thắp sáng, sạc điện thoại cho cả giáo viên và học sinh (trong điều kiện không mưa gió cả ngày, không rét đậm, rét hại). “Nếu trời nắng to thì anh em còn được bật loa mở nhạc giải trí 30 phút đến 1 tiếng” - thầy giáo trẻ Lường Quý Hà chia sẻ.

Vượt lên những khó khăn ấy, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Na Tông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, hàng năm học sinh đến tuổi đi học đều ra lớp đầy đủ. Ðồng thời học sinh bán trú được chăm sóc chu đáo, ân cần. Nhờ đó hạn chế tối đa tình trạng bỏ học giữa chừng vì các lý do như nghèo đói, mồ côi, lập gia đình sớm theo phong tục lạc hậu… Nói qua tưởng đơn giản nhưng với hơn 60% học sinh hộ nghèo, nhà trường đã phải sử dụng nhiều biện pháp, cách làm để giữ chân học sinh. Như việc tạo điều kiện cho một số học sinh gia đình khó khăn không thuộc diện ở bán trú được ăn trưa tại trường; vận động gia đình không cho con em đi học bằng việc giải thích rõ ràng, cam kết chu cấp đầy đủ vật dụng, đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh để gia đình an tâm cho con đến trường. Ngoài ra Nhà trường tích cực xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Ðầu năm học 2020 - 2021 đã huy động được 56 bộ sách giáo khoa lớp 1, quần áo, vở, bút cho học sinh toàn trường. Giáo viên trong trường còn kết nối hỗ trợ hàng tháng 300.000 đồng/em/tháng cho 2 chị em Sùng Thị Di và Sùng A Tủa, bố mẹ đều có vấn đề về thần kinh, ở với ông nội già yếu. Em Sùng Thị Di (lớp 5A1) tâm sự: “Em rất thích đi học vì thầy cô dạy em chữ và còn mua cho nhà em gạo, dầu ăn, đồ dùng gia đình. Em sẽ cố gắng để được học tiếp cấp II”.

Thầy Vì Văn Biển, Hiệu phó Trường Tiểu học số 2 Na Tông cho biết: “Vì địa bàn khó khăn nên giáo viên nhà trường chủ yếu là nam, chỉ có 4 đồng chí nữ. Mặc dù là nam giới nhưng các thầy đều biết cách chia sẻ, quan tâm đến đời sống, gia cảnh học sinh và có nhiều hình thức giúp đỡ các em. Hơn nữa còn rất yêu nghề, nhiệt huyết. Các bản Gia Phú A, B xa, khó khăn như vậy nhưng không năm nào Ban giám hiệu phải đích thân phân công, luân chuyển giáo viên mà đều là các thầy xung phong lên cắm bản. Sau nhiều năm cống hiến của giáo viên nhà trường, nhận thức của phụ huynh, ý thức cho con em đến lớp, học tập chuyên cần của người dân nơi đây đã thay đổi, ngày càng nâng cao. Dân bản coi thầy cô như người nhà, luôn sẵn sàng giúp đỡ. Ðây chính là thành quả, phần thưởng mà chúng tôi trân trọng, cũng là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa”.

Tin vui đến với giáo viên Trường Tiểu học số 2 Na Tông là đường vào Sơn Tống đang được mở rộng, sắp hoàn thành. Từ tháng 9/2020, đường vào trường trung tâm đã đỡ phần nào nguy hiểm, nếu trời nắng ráo có thể rút ngắn thời gian đi khoảng 20 phút. Dù không nhiều nhưng cũng giúp cho những người ươm mầm ước mơ nơi vùng biên này bớt đi lo lắng trên chặng đường đến với học trò, vững tay lái đưa “những con đò” tri thức cập bến.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top