Khó khăn dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới ở Ðiện Biên Ðông

09:19 - Thứ Tư, 02/12/2020 Lượt xem: 8296 In bài viết

ĐBP - Sau 3 tháng triển khai dạy và học chương trình sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Ðiện Biên Ðông đã đạt một số kết quả tích cực. Song trong quá trình dạy và học lớp 1 với chương trình mới, các trường trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế đòi hỏi ngành GD&ÐT huyện cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để việc dạy và học SGK mới đạt kết quả như mong muốn.

Một tiết học môn tiếng Việt lớp 1 của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm.

Năm học 2020 - 2021, Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm có 4 lớp khối 1 với tổng số 88 học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Sau 3 tháng tổ chức các hoạt động dạy và học theo chương trình SGK mới với lớp 1, bên cạnh những ưu điểm như học sinh đã tích cực, chủ động tiếp thu các bài học, tạo được hứng thú cho người học; giáo viên đã xây dựng kế hoạch bài dạy theo yêu cầu, sử dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp để phù hợp với học sinh của lớp mình. Song bên cạnh đó, Trường cũng gặp một số khó khăn trong quá trình dạy và học. Cô Nguyễn Thị Hằng, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 1, Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm chia sẻ: Do là năm đầu tiên triển khai chương trình SGK mới nên giáo viên còn lúng túng trong việc lựa chọn, sử dụng các hình thức dạy học; việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học chưa được nhuần nhuyễn; việc soạn bài và nghiên cứu giáo án đòi hỏi phải có sự đầu tư, mất nhiều thời gian. Về phía học sinh, do 100% các em là người dân tộc thiểu số nên vốn tiếng Việt chưa nhiều dẫn đến việc đọc, viết còn chậm; những bài dạy 2 - 3 âm, vần của môn Tiếng Việt học sinh nắm bài khó khăn hơn vì nhận thức của các em còn hạn chế, không nhớ hết các âm, vần; một số bài học có lượng kiến thức nhiều trong khi thời gian không đủ để dạy hết trong 1 tiết; vở bài tập nội dung kiến thức khó, chưa bám sát nội dung với sách học sinh. Một số nội dung bài học môn Tự nhiên xã hội yêu cầu thực hành áp dụng trong thực tế chưa phù hợp với nhà trường mà chỉ có thể giới thiệu qua tranh ảnh hay thuyết trình của giáo viên; Trường còn thiếu máy chiếu để phục vụ công tác giảng dạy, thiếu bộ chữ rời, que tính, thiếu tranh ảnh dạy học...

Là trường có nhiều điều kiện thuận lợi trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, song trong quá trình triển khai dạy và học chương trình SGK lớp 1 mới, Trường Tiểu học thị trấn Ðiện Biên Ðông cũng gặp một số khó khăn. Học sinh người dân tộc thiểu số của trường còn hạn chế về tiếng Việt, một số em chưa hiểu rõ câu lệnh của giáo viên, chưa hình thành được nền nếp học tập trong các giờ học; việc sử dụng bộ chữ cái tiếng Việt để ghép từ mới, tiếng mới còn chậm và còn nhầm lẫn giữa các chữ cái; học sinh phát âm chưa chính xác, viết chậm, chưa đúng mẫu chữ. Một số bài học môn tiếng Việt nội dung dài, học sinh không nhớ hết nội dung, giáo viên phải kéo dài thời gian giảng dạy. Môn Toán có những bài học khó, trừu tượng; câu lệnh của một số bài tập dài nên học sinh không hiểu yêu cầu đề bài, đòi hỏi giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết; hoạt động trò chơi học tập giáo viên phải chuẩn bị nhiều đồ dùng dạy học, mới thực hiện được.

Ông Nguyễn Quang Ngân, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Sau 3 tháng triển khai chương trình SGK mới đã thể hiện được nhiều điểm tích cực, nhưng do là năm đầu thực hiện nên cũng gặp không ít khó khăn. Lượng kiến thức môn tiếng Việt nặng so với học sinh người dân tộc thiểu số; thời gian dành cho hoạt động nghe, nói tiếng Việt chưa hợp lý; hoạt động hướng dẫn học sinh quan sát tranh để xuất hiện “từ mới, tiếng mới” hiệu quả thấp đối với học sinh dân tộc. Nội dung một số bài học môn Toán dài và khó, đồ dùng dạy học còn thiếu để phục vụ dạy các bài học lập số... Ðể khắc phục những khó khăn, triển khai thực hiện tốt chương trình SGK lớp 1 mới, thời gian tới, Phòng GD&ÐT huyện sẽ tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cấp cụm, trường để tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là việc lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với điều kiện của từng trường; khuyến khích giáo viên lớp 1 tìm hiểu, tham khảo tài liệu dạy học trên mạng. Phòng cũng chú trọng đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới...

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top