Cô giáo Huyền Thương hết lòng thương mến học trò

12:56 - Thứ Bảy, 12/12/2020 Lượt xem: 6787 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến Trường Mầm non số 2 Na Tông, bản Sơn Tống, xã Na Tông (huyện Ðiện Biên) những ngày trung tuần tháng 11. Từ cổng trường đã thấy một phụ nữ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn đang bê bao xi măng từ yên chiếc xe máy xuống. Hỏi mới biết đó là cô Nguyễn Thị Huyền Thương, Hiệu trưởng nhà trường. Hôm nay có đoàn từ thiện hỗ trợ xây dựng thêm 1 lớp học nên cô cùng cán bộ giáo viên vận chuyển vật liệu từ đầu bản về.

Cô Thương (bên trái) cùng đồng nghiệp mang vật liệu về xây lớp học.

Cô giáo Thương sinh năm 1984, có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Khi mới ra trường, cô được phân công về công tác tại xã Mường Lói (huyện Ðiện Biên), đến năm 2013 được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Na Tông; năm 2015 là Hiệu trưởng và gắn bó đã được gần 7 năm với ngôi trường thuộc địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện Ðiện Biên.

Nhớ lại những ngày đầu về Sơn Tống, cô Thương kể: “Ngày đầu tiên vào trường, đường khó đi cả người cả xe bị rơi xuống vực, phải nhờ dân bản dùng dây thừng kéo lên. Ðường sạt lở nhiều, trời mưa thì trơn trượt... nhưng đi dần rồi cũng quen. Mới đầu, trường chỉ có 2 phòng học cũ với 10 cô giáo, nhân viên. Bà con dân bản giúp đỡ nhiều lắm, từ cuộc sống sinh hoạt đến xây sửa trường lớp, nhà cửa. Có lần xe hết xăng giữa đường, đang loay hoay không biết làm thế nào thì có 2 phụ huynh đi qua hỏi thăm, rồi rút xăng từ xe của họ chia cho mình luôn... Thời gian đầu, học sinh đi học chưa nhiều, giáo viên phải tới từng nhà để vận động, tuyên truyền phụ huynh và học sinh. Có trường hợp học sinh bỏ học, cô giáo đi bộ hơn 10km đến nhà học sinh tìm, nhưng đến nơi mới biết trò theo mẹ lên nương; lại tiếp tục hỏi thăm để đến tận nương tuyên truyền thuyết phục. Lúc đó trong đầu chỉ nghĩ cách làm sao đưa trò về trường học chứ không nghĩ tới con đường vất vả, phải đi bộ 20km cả đi và về như thế. Học sinh cứ đi học đầy đủ là vui rồi. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ chồng con lắm, nhưng nhờ có nụ cười của trẻ, sự quý mến, trân trọng của người dân bản đã giúp mình có thêm niềm an ủi, sức mạnh để vượt qua. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mình rồi. Mặc dù thiếu thốn về vật chất, nhưng tình cảm thì luôn đong đầy. Trẻ em nhìn thấy cô giáo lên thì vui lắm, vì biết cô tới là có bánh kẹo, lúc đó dù có mệt mỏi, nhớ nhà nhưng nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của các em những điều đó đều tan biến hết”.

Trường Mầm non số 2 Na Tông gồm 1 điểm bản ở Gia Phú, với 16 cô giáo, 190 học sinh (100% dân tộc Mông); trong đó 84 em thuộc diện hộ nghèo. Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện thường xuyên quan tâm, các tổ chức từ thiện cũng hỗ trợ nhiều về cơ sở vật chất nên trường đã được xây mới, phòng học, nơi ở của giáo viên không còn là nhà tạm nữa. Ðiểm trường ở Gia Phú cũng được xây mới, học sinh ăn bán trú ở trường, đồ ăn thức uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng.

Khi hỏi về khó khăn nhất hiện nay, cô Thương giãi bày: “Không phải là cơ sở vật chất, đồ ăn thức uống mà là không có điện lưới quốc gia. Năm 2017, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã đầu tư cho Trường 3 bộ phát điện năng lượng mặt trời, phục vụ phần nào công tác giảng dạy, học tập nhưng không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Mùa nắng thì còn đỡ, chứ mùa mưa cả tuần không có điện dùng. Nhất là 3 cô giáo trẻ tình nguyện bám điểm trường Gia Phú, phải dùng nhờ điện nước của dân bản. Khó khăn vất vả, nhưng các cô đều tình nguyện xung phong bám điểm trường. Vui và tự hào nhất là tỉ lệ trẻ em từ 2 - 5 tuổi đến lớp ở Gia Phú luôn đạt 100%.

Ông Ðặng Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên đánh giá: Cô Nguyễn Thị Huyền Thương rất nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Ðã có gia đình, nhưng cô vẫn xung phong vào vùng sâu, vùng xa để dạy học, nhất là ở vùng còn có điều kiện kinh tế khó khăn nhất huyện. Cô luôn tạo cảm giác gần gũi với các em, coi các em như là con ruột của mình. Với vai trò là Hiệu trưởng, cô luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên; gương mẫu trong các hoạt động, sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, hỗ trợ giáo viên trẻ gặp khó trong công tác giảng dạy. Cô giáo Thương đã cùng đồng nghiệp vượt qua những tháng ngày gian khổ để giờ đây trường là nơi thu hút con em vùng cao vui vẻ đến trường, là chỗ tin tưởng để các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình. Cô Thương thực sự là tấm gương về học và làm theo Bác trong sự nghiệp “trồng người”.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận
Back To Top