Người tốt - việc tốt

Thầy hiệu phó tận tâm với nghề

09:22 - Thứ Tư, 16/12/2020 Lượt xem: 6322 In bài viết

ĐBP - Ra trường năm 1999, thầy Bùi Tiến Phong được phân công về Trường THCS số 2 Sam Mứn (bây giờ là Trường THCS Pom Lót) dạy môn Hóa - Sinh, đến năm 2001, thành lập Trường Phổ thông DTBT THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên), thầy được điều động đến nhận nhiệm vụ và giữ chức vụ Phó hiệu trưởng nhà trường. Ngày đó mới ra trường công tác được 2 năm, chỉ với chiếc xe đạp đi từ xã Sam Mứn vào tới xã Mường Nhà, nền trường thấp hơn mặt đường 2m, cỏ mọc lên cao đến nỗi đi qua trường lúc nào không biết. Thầy Phong chia sẻ: “Nhìn thấy nơi chuyển đến như thế, có lúc mình nhụt chí, muốn quay về. Nhưng sau 1 năm gắn bó cùng học sinh nơi đây, dần dần suy nghĩ ban đầu biến mất, dường như nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mình vậy”.

Thầy giáo Bùi Tiến Phong, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS xã Mường Nhà kiểm tra giờ tự học buổi tối của học sinh. Ảnh: Thuỳ Trang

Việc dạy học nơi đây khác hoàn toàn với học sinh vùng lòng chảo, học sinh nhận thức không nhanh vì không được tiếp xúc tiếng phổ thông nhiều. Các từ ngữ khoa học khó nhiều lúc các em không hiểu điều mình nói nên chất lượng học còn yếu. Không chỉ trong việc học, đến sinh hoạt cá nhân cũng phải chỉ bảo từng chút, bước ra khỏi lớp đâu phải là đã xong công việc, có những đêm thức trắng vì học sinh ốm đau, trốn ra ngoài chơi. Những ngày đầu mới về trường, chỉ huy động được một nửa học sinh độ tuổi trung học cơ sở, vì các em thiếu chỗ ăn, ở; nhiều em không mặn mà với việc học. Chỗ ở là những chiếc lán tự dựng, ăn uống thiếu thốn chỉ có ít cơm với bát canh rau. Vì vậy, thầy Phong nảy ra sáng kiến và đề xuất nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh để các em không còn phải bỏ học. Ban đầu, giáo viên phân công nhau tự tay nấu ăn cho học sinh, đến năm 2009 tỉnh bắt đầu triển khai và nhân rộng mô hình nội trú dân nuôi. Mới đầu trường chỉ có 233 em học sinh đến nay đã có 700 học sinh theo học, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi THCS đến trường đạt 98%.

Khoảng thời gian sau nghỉ hè, nghỉ tết nguyên đán, có những em về nhà rồi không quay lại trường học tiếp mà theo bố mẹ đi làm nương. Với suy nghĩ, không muốn bất cứ em nào phải bỏ học giữa chừng, phải đi học thì mới thay đổi, không bị thiệt thòi, thầy Phong cùng giáo viên nhà trường đến từng nhà động viên phụ huynh cho con đi học, động viên các em tới trường.

Nặng lòng với trường nên dù có nhiều cơ hội chuyển công tác về các vùng gần trung tâm huyện hơn nhưng thầy vẫn không muốn đi. Gần 20 năm gắn bó với trường, thầy đã đóng góp rất nhiều, từ việc xây dựng mô hình bán trú điểm trên toàn tỉnh; xin được bình lọc nước của Ðức trị giá 100 triệu đồng; mùa đông xin đoàn từ thiện chăn, màn, quần áo, giày dép đến chăm sóc các em lúc ốm đau... Thầy không chỉ là người mang con chữ đến cho các em mà còn như người cha thứ hai.

Thuỳ Trang
Bình luận
Back To Top