Vượt khó theo đuổi con chữ

09:38 - Thứ Tư, 16/12/2020 Lượt xem: 6589 In bài viết

ĐBP - Những chiều cuối tuần, từng nhóm học sinh vùng cao cùng nhau cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ trên những con đường gập gềnh, leo núi vượt rừng về bản rồi hôm sau lại xuống trường. Có đi vùng cao mới thấm thía việc học sinh, đặc biệt là cấp THCS trở lên đến trường đầy đủ đã là nỗ lực lớn lao của chính các em. Tại Trường THPT Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) cũng vậy. Học sinh từ những bản xa nhất, khó khăn nhất trên địa bàn huyện và huyện lân cận xuống đây học tập. Các em đã vượt khó để theo đuổi con chữ. Thầy cô cũng hết mình dạy dỗ và giữ chân học trò.

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Mường Nhà.

Trường THPT Mường Nhà đón học sinh từ nhiều xã vùng cao: Na Tông, Hẹ Muông, Mường Nhà, Phu Luông, Mường Lói (huyện Ðiện Biên) và cả Pú Hồng, Phình Giàng cùng một số xã thuộc huyện Ðiện Biên Ðông. Có nhiều học sinh đến từ những bản xa cách trường 30 - 50km, đường đi lại khó khăn, cách trở như: Gia Phú, Sơn Tống, Mốc C5, Tin Nán, Huổi Hua, Tin Tốc… Có những học sinh đi bộ đến trường mất 5, 6 tiếng đồng hồ. Khi trời đổ mưa, con đường đến trường lại càng gian nan. Em Lường Thị Hoài, học sinh lớp 11B4, ở bản Tin Tốc, xã Mường Lói, cách trường gần 50km. Mỗi học kỳ Hoài chỉ về thăm nhà 2 - 3 lần. Nếu người thân không đến trường đón được thì em bắt xe khách về trung tâm xã. Từ đây còn hơn 10km đường đất, men theo đồi và vượt qua suối. Mùa mưa cây cầu tạm bị lũ cuốn trôi, Hoài và các bạn phải lội suối vào bản. Lường Thị Hoài chia sẻ: “Thỉnh thoảng khi trời mưa gió em cũng hơi ngại quay lại trường bởi sợ phải lội suối, đi qua đoạn đường lầy lội, trơn trượt rồi còn mấy chục cây số quanh co nữa. Nhưng bố mẹ, thầy cô luôn động viên và em nghĩ chỉ có đi học mới thoát được nghèo nên cố gắng đến trường đầy đủ, phấn đấu nhiều năm liền đạt học sinh tiên tiến”.

Vì có nhiều học sinh ở các bản xa nên năm học 2020 - 2021, nhà trường có 303/430 học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ bán trú theo Nghị định 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên cơ sở vật chất khu bán trú của trường còn hạn chế (17 phòng ở) nên mới chỉ đáp ứng được 160 học sinh vào ở. Số em còn lại phải ở trọ ngoài hoặc ở nhờ nhà người thân. Xa gia đình, tự lo liệu sinh hoạt, ăn uống, học tập, con đường theo đuổi ước mơ của các em càng gian nan. Mặc dù được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gồm gạo, tiền ăn, tiền nhà ở nhưng khi thuê trọ, các em phải tiết kiệm, tính toán chi tiêu cẩn thận mới đủ sinh hoạt và ăn uống. Bởi hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không cho thêm sinh hoạt phí hoặc rất ít. Số tiền nhà ở được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở hàng tháng chỉ vừa đủ cho 2 em thuê chung một căn phòng sơ sài. Có những khu trọ nơi đây còn là vách gỗ, vách tre, các em phải xuống suối tắm, giặt. Em Sùng A Già, học sinh lớp 12C2, từ bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông) vượt hơn 30km đến đây theo học, hiện cũng đang thuê phòng ở cùng bạn với giá 300.000 đồng/tháng/phòng. Già chia sẻ: “Chúng em thường ăn đậu phụ, cá khô, rau, thỉnh thoảng cũng có mua thịt. Cũng có những tuần mua đồ dùng hết tiền thì có gì ăn nấy. Ðôi khi, cuối giờ chiều tan học, chúng em xuống suối, bắt cá cải thiện bữa ăn”. Không được chăm lo miếng ăn, giấc ngủ để chuyên tâm học tập như nhiều bạn khác nhưng 2 năm liền, Già là học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh.

Ðối với học sinh vùng cao, giáo viên vừa là những người dạy con chữ vừa như người thân chăm lo cho cuộc sống thường ngày. Học sinh ở bán trú hay ở ngoài đều được thầy cô nhà trường quan tâm, theo sát. Thầy giáo Ðỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Nhà cho biết: “Hàng năm, Ban giám hiệu gửi danh sách học sinh trọ ngoài trường cho chính quyền địa phương, công an xã, Ðồn Biên phòng Mường Nhà quản lý nhân khẩu tạm trú. Nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm kiểm tra chỗ ở của học sinh với tiêu chí đảm bảo các yếu tố “3 cứng”, vị trí an toàn, an ninh trật tự tốt và thường xuyên kết nối với người thân học sinh, chủ nhà trọ. Ðồng thời hướng dẫn các em ăn ở, sinh hoạt vệ sinh, gọn gàng, ăn ngủ khoa học, đảm bảo sức khỏe và đề cao phòng chống cháy nổ. Trường còn phối hợp với Ðồn Biên phòng Mường Nhà tổ chức thi gấp chăn màn cho học sinh. Số điện thoại của thầy cô luôn công khai, mở máy 24/24 giờ để các em liên hệ khi cần thiết, khẩn cấp”. Nhiều trường hợp học sinh ốm đau, gọi cho thầy cô đưa đi khám, chữa. Hay khi học sinh nữ có thanh niên địa bàn đến trò chuyện, tán tỉnh mà không muốn tiếp, không mời về được cũng nhắn tin cho thầy, cô đến “giải vây”.

Ðược thầy, cô quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo, dạy dỗ, học sinh các bản xa được tiếp thêm động lực đến trường, thêm yêu trường mến lớp. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà tỷ lệ bỏ học giữa chừng hàng năm của học sinh vẫn cao (khoảng 8%/năm học). Con đường đến trường, theo đuổi ước mơ của nhiều em bị gián đoạn hoặc không còn tiếp tục nữa nhưng những tri thức mà các em đã học sẽ vẫn mãi giá trị, giúp các em có cuộc sống văn minh hơn, tiếp cận dễ dàng hơn với khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao dân trí địa bàn nơi các em sinh sống.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top