Tăng hiệu quả liên kết giữa các trường

15:36 - Thứ Tư, 13/01/2021 Lượt xem: 4255 In bài viết

Thời gian qua, hàng loạt trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình liên kết, hợp tác với các trường đại học nhằm thực hiện một số nhiệm vụ, như: Tư vấn tuyển sinh, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, định hướng ngành nghề cho học sinh… Từ đó, chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh và hiệu quả trong hướng nghiệp tại trường trung học phổ thông được cải thiện rõ rệt.

Học sinh trung học phổ thông thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc và tìm hiểu các thông tin về Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để có định hướng theo học ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Năm học 2020-2021, Trường Trung học phổ thông Long Trường (quận 9) tiếp tục hợp tác với một số trường đại học, như: Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh… Việc lựa chọn trường đại học để hợp tác dựa trên các tiêu chí do chính nhà trường đặt ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tương tự, 5 năm qua Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1) đã tạo ra sợi dây liên kết đào tạo bền chặt với nhiều trường đại học lớn tại thành phố Hồ Chí Minh ở nhiều lĩnh vực, như ký kết với Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng về nghiên cứu khoa học, trải nghiệm hướng nghiệp. Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân chia sẻ: “Mục đích của việc liên kết đào tạo là tạo ra môi trường nghiên cứu thực chất, đúng nghĩa cho học sinh, bao hàm cả về kiến thức chuyên môn cũng như trang thiết bị nghiên cứu để thực hiện các thí nghiệm, xét nghiệm - những thứ mà môi trường phổ thông chưa thể hoàn thiện được”.

Ngoài ra, hàng loạt các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch hợp tác với các trường đại học một cách sâu rộng nhằm mục đích nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thạc sĩ Trần Đức Hùng, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cho hay, từ khi xây dựng sợi dây liên kết với các trường đại học, phong trào nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp tại trường được đánh giá là đi vào thực chất, mang lại hiệu quả và chuyển biến rõ rệt. Đáng nói, khi tiếp xúc với giảng viên các trường đại học, các thầy cô giáo trong trường cũng dần thay đổi, từng bước nâng cao chuyên môn, góc nhìn và cách thức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cũng có nhiều chuyển biến.

Nói về việc liên kết giữa các trường trung học phổ thông với trường đại học, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua việc liên kết, hợp tác giữa trường đại học và trường trung học phổ thông sôi động hơn khi các trường đại học có sự đa dạng về phương thức tuyển sinh cũng như nỗ lực của các trường trung học phổ thông trong việc xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tế. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, các trường trung học phổ thông cần xác định mục tiêu, mục đích rõ ràng khi liên kết với trường đại học. Đặc biệt, phải đặt câu hỏi rằng, thực sự trường đại học đó có giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên phổ thông không, có giúp trường áp dụng được các mô hình đào tạo tiên tiến không? Thêm nữa, việc liên kết có đáp ứng Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 ban hành chương trình giáo dục phổ thông không?…

Trong khi đó, theo ông Trần Bá Hoàng, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, để mối quan hệ liên kết, hợp tác được bền chặt, thực chất, các trường trung học phổ thông và đại học cần xây dựng chiến lược, mục tiêu hợp tác cụ thể, lâu dài, không nên nhìn vào cái lợi trước mắt. Còn ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, liên kết, hợp tác với trường đại học đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong kế hoạch giáo dục của nhiều trường trung học phổ thông, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mang tính mở, cần sự đổi mới, thiết thực. Tuy nhiên, để quá trình hỗ trợ này mang đúng nghĩa là hợp tác, các chuyên gia giáo dục nhận định, lãnh đạo các trường trung học phổ thông cần nhìn sâu, nhìn rộng, nhìn đúng bản chất để tránh những thiên hướng hợp tác “không mang đúng mục tiêu giáo dục”. Bởi, nếu trường phổ thông không có sự tỉnh táo, lãnh đạo không có “tầm” trong việc hợp tác thì chính học sinh của mình sẽ bị ảnh hưởng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top