Trường chia sẻ gánh nặng với sinh viên

11:13 - Thứ Sáu, 15/01/2021 Lượt xem: 4265 In bài viết

Cùng với kế hoạch tuyển sinh, trong năm 2021, nhiều trường đại học (ĐH) nỗ lực đưa ra chính sách học bổng, hỗ trợ học phí để người học yên tâm trong quá trình học. Nhiều học bổng các trường đưa ra trong đợt tuyển sinh này không mang tính quảng bá thương hiệu, thu hút tuyển sinh mà đi vào thực chất, thể hiện bằng mức học bổng cụ thể, hay mức cho vay học phí hỗ trợ sinh viên khó khăn.

Các tân thủ khoa Trường ĐH Lạc Hồng nhận học bổng.

Học phí kịch trần 

Năm 2021, học phí của các trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo Nghị định 86 của Chính phủ. Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2021 lần lượt: khối ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông - Lâm, Thủy sản là 9,8 triệu đồng/năm; khối ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch 11,7 triệu đồng/năm; khối ngành Y dược 14,3 triệu đồng/năm. Học phí các khối tăng 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/năm so với năm học trước. Đối với đào tạo sau ĐH, học phí trình độ thạc sĩ tăng gấp 1,5 lần so với ĐH và trình độ tiến sĩ tăng 2,5 lần so với trình độ ĐH.

Trong khi đó, mức trần học phí đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại cơ sở giáo dục công lập tự chủ áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2020-2021 (kể cả cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) lần lượt là 2,05 triệu đồng/tháng (20,5 triệu đồng/năm), 2,4 triệu đồng/tháng (24 triệu đồng/năm), 5,05 triệu đồng/tháng (50,5 triệu đồng/năm). Mức học phí tăng 2-4,5 triệu đồng/năm so với năm học 2019-2020.

Hiện các cơ sở đào tạo (khối công lập chưa tự chủ lẫn thí điểm tự chủ) muốn tăng học phí chương trình đại trà cũng rất khó vì chưa có nghị định mới. Đại diện nhiều trường cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong năm 2021 nghị định mới về học phí tạm thời chưa áp dụng. Và dù học phí có tăng hay không thì trong bối cảnh hiện nay việc chia sẻ, tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ người học giảm gánh nặng chi phí học tập là rất cần thiết.   

Giúp vốn học đại học

Cuối năm 2020, ĐH Quốc gia TPHCM ra mắt chương trình cho vay ưu đãi để học tập cho sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM. Theo đó, Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM (VNU-F) phối hợp với Ngân hàng BIDV triển khai chương trình cho vay tín chấp dành cho sinh viên đang theo học. Điểm đặc biệt của chương trình này so với các quỹ tín dụng sinh viên khác hiện nay là sinh viên tham gia vay không phải chịu lãi suất (lãi suất 0%). VNU-F sẽ hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay từ nguồn tài trợ cho chương trình trong thời hạn 8 năm. 

PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Ban điều hành VNU-F, cho biết nguồn quỹ đang được xây dựng từ các nguồn lực đóng góp của xã hội. Hiện tại, VNU-F mới vận động được 20 tỷ đồng cho chương trình trong vòng 4 năm từ Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial. ĐH Quốc gia TPHCM và VNU-F đang tiếp tục vận động sự góp sức của xã hội, của doanh nghiệp cho chương trình này. Đối tượng vay vốn ưu đãi này là sinh viên chính quy, đối với tân sinh viên phải có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo, với sinh viên năm 2 phải có kết quả học tập đạt trung bình - khá (tương đương 6.5/10) trở lên và đạt điểm đánh giá rèn luyện 70/100 trở lên. 

Về chính sách cho sinh viên vay vốn ưu đãi, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết, năm 2021 trường triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn học tập dành cho sinh viên của trường với thời gian vay đến 10 năm, tùy theo nhu cầu tài chính của gia đình. Đây là chương trình do trường phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo cam kết, Sacombank sẽ dành 300 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi cho sinh viên thanh toán học phí trọn gói hoặc theo từng năm học, thời gian vay tối đa 10 năm. Ngoài ra, trường còn dành 20 tỷ đồng học bổng và lo 100% chi phí đào tạo với sinh viên theo học ngành Sư phạm mầm non. 

Trong khi đó, với các trường công lập tự chủ hiện nay, nguồn học bổng và quỹ hỗ trợ sinh viên khá dồi dào. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngoài sinh viên diện chính sách được miễn giảm học phí, tân sinh viên khó khăn, không có tiền học ĐH nếu trúng tuyển vào trường cứ đến gặp ban giám hiệu hoặc phòng công tác sinh viên của trường. Ngoài nguồn học bổng dồi dào từ quỹ học bổng của trường (hơn 40 tỷ đồng), trường cũng được các mạnh thường quân, cựu sinh viên và các doanh nghiệp tặng học bổng cho sinh viên.   

Các trường ngoài công lập cũng tăng mối liên kết với doanh nghiệp, các mạnh thường quân để hình thành các nguồn học bổng hỗ trợ người học. Trường ĐH Văn Hiến hiện là trường ngoài công lập có nhiều quỹ học bổng dành cho sinh viên. Ngoài quỹ học bổng mang tên cố GS Hoàng Như Mai, trường còn có học bổng Quỹ Trái tim Hùng Hậu, chương trình học bổng Học tập suốt đời… đều là địa chỉ tiếp nhận và hỗ trợ những sinh viên khó khăn nhất. Đặc biệt, đây cũng là trường ngoài công lập duy nhất nhiều năm qua luôn tiếp nhận thí sinh khuyết tật và luôn có mạnh thường quân đứng sau để lo cho các em an tâm học tập.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top