Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non

09:37 - Thứ Hai, 18/01/2021 Lượt xem: 7749 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), toàn tỉnh hiện có 170 trường mầm non với tổng số hơn 60.460 trẻ. Tổng số giáo viên mầm non là 3.553 người, so với định mức được giao còn thiếu hơn 1.130 giáo viên. Thực tế này đòi hỏi ngành GD&ÐT tỉnh phải có giải pháp để khắc phục sớm tình trạng thiếu giáo viên mầm non.

Một tiết hoạt động văn nghệ của cô và trẻ Trường Mầm non Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông).

Năm học 2020 - 2021, Trường Mầm non Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông) có 30 nhóm lớp với tổng số hơn 880 trẻ. Toàn trường hiện có 44 giáo viên, so với định mức theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDÐT-BNV hiện trường còn thiếu 25 giáo viên. Cô Lê Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phì Nhừ chia sẻ: Việc thiếu số lượng lớn giáo viên khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, nhất là việc tổ chức hoạt động ăn, ngủ, nghỉ của học sinh cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ. Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Trường đã phải tăng số lượng trẻ/lớp, cử 1 đồng chí phó hiệu trưởng tăng cường đứng lớp, huy động phụ huynh học sinh tại các điểm trường lẻ hỗ trợ trường trong việc nấu ăn bán trú cho học sinh. Song đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài Trường đang tham mưu cho Phòng GD&ÐT huyện bổ sung giáo viên cho nhà trường.

Cùng tình trạng trên là Trường Mầm non Suối Lư (xã Phì Nhừ, huyện Ðiện Biên Ðông). Với số lượng gần 320 trẻ thuộc 11 nhóm lớp, hiện Trường Mầm non Suối Lư còn thiếu 7 giáo viên so với định mức. Trước những khó khăn của việc thiếu giáo viên, nhà trường phải rà soát, sắp xếp bố trí lớp ghép ở các nhóm tuổi cho hợp lý, tăng số lượng học sinh/lớp, đồng thời đề nghị Phòng GD&ÐT huyện bố trí, bổ sung giáo viên cho trường.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng thiếu giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: Hiện toàn ngành còn thiếu hơn 1.130 giáo viên mầm non; trong đó nhiều huyện thiếu số lượng lớn, như: Ðiện Biên Ðông (231 giáo viên), Tuần Giáo (224 giáo viên), Mường Nhé (195 giáo viên), Nậm Pồ (173 giáo viên)... Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do số lượng và tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp năm học sau đều tăng so với năm học trước, nhất là lớp nhà trẻ, trong khi tỉnh không được giao thêm biên chế giáo viên. Mặt khác, do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, hàng năm thực hiện cắt giảm 1,7% số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp. Một nguyên nhân khác là do số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (các cơ sở giáo dục mầm non) được giao bổ sung hàng năm của tỉnh chưa đáp ứng đủ quy mô phát triển trường, lớp, học sinh; do đặc thù của tỉnh miền núi điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, một bộ phận viên chức chưa thực sự yên tâm công tác, chưa xác định gắn bó lâu dài tại địa phương, một số giáo viên công tác ở vùng khó khăn xin thôi việc, thuyên chuyển công tác về miền xuôi...

Việc thiếu số lượng lớn giáo viên mầm non đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, làm ảnh hưởng đến việc huy động trẻ ra lớp. Theo Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 707/QÐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh Phê duyệt quy hoạch phát triển GD&ÐT tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra chỉ tiêu huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đến năm 2020 là 50%, song cho dù triển khai nhiều giải pháp nhưng đến nay tỷ lệ huy động học sinh lớp nhà trẻ ra lớp mới đạt 43,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên cũng làm tăng áp lực công việc đối với giáo viên mầm non đang công tác. Theo định mức giáo viên được quy định, những nơi bố trí đủ số trẻ tối đa theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định thì định mức giáo viên được xác định: Ðối với nhóm trẻ học 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên cùng với đặc thù giáo dục miền núi dân cư phân tán với nhiều lớp ghép, số trẻ/nhóm, lớp không bố trí được tối đa nên tỷ lệ giáo viên/lớp thấp, trung bình toàn tỉnh mới đạt 1,43 giáo viên/lớp. Ðiều này gây nên áp lực công việc không nhỏ đối với giáo viên mầm non khi thực tế tại những trường thiếu giáo viên chỉ có 1 giáo viên/lớp.

Ðể khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ÐT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị rà soát, sắp xếp giáo viên một cách khoa học, hợp lý, tiết kiệm biên chế; thực hiện dồn dịch trường, điểm trường ở những nơi có số trẻ ít theo lộ trình. Ðồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí tuyển dụng giáo viên mầm non. Trong năm học 2019 - 2020, toàn ngành đã tuyển 552 giáo viên các cấp; trong đó 342 giáo viên mầm non, qua đó tháo gỡ một phần khó khăn của việc thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi; tăng cường công tác vận động, huy động sự hỗ trợ của phụ huynh, nhân dân trên địa bàn trong phối hợp thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ ở trường, đặc biệt là việc nấu ăn trưa cho trẻ ở những điểm trường lẻ... Từ đó, giảm áp lực công việc cho giáo viên, đảm bảo chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top