Phong trào “nói không với rác thải nhựa” tại trường mầm non

10:08 - Thứ Tư, 27/01/2021 Lượt xem: 8984 In bài viết

ĐBP - Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, đặc biệt là trẻ mầm non là một trong những giải pháp để bảo vệ môi trường cho tương lai. Chính vì vậy, việc giáo dục bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa đã được các trường mầm non trong toàn tỉnh chú trọng thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, cũng như tạo thái độ, hành vi đúng của trẻ đối với môi trường xung quanh, giúp phát triển toàn diện nhân cách trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) sáng chế đồ dùng học tập từ rác thải nhựa cho trẻ.

Tham dự tiết học ngoại khóa về phòng chống rác thải nhựa tại Trường Mầm non Rainbow (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ), chúng tôi thấy sự thích thú, chăm chú của các bé khi được cô giáo cho xem hình ảnh về các loại rác thải nhựa, cũng như nghe cô giáo kể về những hành động nhỏ mà các bé có thể làm để giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Ðây là một trong những tiết học ngoại khóa thường xuyên được trường tổ chức với nội dung giáo dục những vấn đề liên quan đến môi trường cho trẻ.

Cô giáo Trịnh Thị Mái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã vận động, khuyến khích giáo viên hạn chế tối đa việc mang các chai nước, ly nhựa dùng một lần vào trường; sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường. Không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa... dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của nhà trường. Ngoài ra, trường cũng kêu gọi học sinh, phụ huynh không sử dụng chai nhựa dùng một lần, túi bóng… trong sinh hoạt hàng ngày; phát động giáo viên, phụ huynh và học sinh thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon… Trường cũng lồng ghép giảng dạy nội dung về bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy cho các bé. Qua từng chuyên đề, trẻ được học cách phân biệt, phân loại các loại rác thải khác nhau, cách xử lý từng loại rác, hậu quả của việc xả rác bừa bãi và hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác, hiểu biết việc tái chế rác thải, giữ gìn tài nguyên, tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

Tại Trường Mầm non Hua Thanh (xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên) cô giáo Lò Thị Diên, giáo viên lớp mẫu giáo lớn cho biết: Ðể tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa, giáo viên huy động phụ huynh quyên góp; từ đó tái chế thành những lọ hoa, bàn ghế, ô tô, các con vật... phục vụ hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ðược mẹ cho các vỏ chai, hộp nhựa cũ đem đến lớp, bé Lò Văn Quang, lớp mẫu giáo lớn rất thích thú khi được cùng cô giáo và các bạn làm đồ chơi. Bé Quang nói: Vỏ hộp, chai nước cũ lại “biến” thành con vật, bàn ghế nên con rất thích. Về nhà con sẽ giữ lại đồ nhựa cũ để làm được nhiều đồ chơi khác nữa.

Không chỉ các bé mà ngay cả các phụ huynh khi thấy được những món đồ xinh xắn được tái chế từ rác thải nhựa cũng thích thú. Ngày càng nhiều phụ huynh có ý thức hơn trong việc thu gom rác thải nhựa, vừa để tạo nguyên liệu sáng chế đồ chơi cho con vừa để hạn chế xả rác thải ra môi trường.

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 169 trường mầm non đang hoạt động giáo dục với 2.486 nhóm, lớp. Tổng số trẻ mầm non được huy động ra lớp: 59.236 trẻ; trong đó nhà trẻ 14.826 trẻ, mẫu giáo 44.410 trẻ. Việc giáo dục ý thức và rèn luyện từ lứa tuổi mầm non sẽ giúp con trẻ hiểu được những khái niệm ban đầu về bảo vệ môi trường sống của bản thân và xã hội. Từ đó biết cách sống tích cực với môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của cơ thể và trí tuệ.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top