Nậm Pồ huy động nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

09:23 - Thứ Tư, 14/04/2021 Lượt xem: 3984 In bài viết

ĐBP - Với địa phương khó khăn như huyện Nậm Pồ, để đáp ứng tốt nhiệm vụ dạy và học thì cơ sở vật chất trường lớp học là bài toán nan giải. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, với hiệu quả trong công tác xã hội hóa, huy động được các nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau, huyện Nậm Pồ đã từng bước hoàn thiện hệ thống trường lớp, đáp ứng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Giờ học của cô và trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Nhừ.

Sau khi nhận bàn giao từ hai huyện Mường Chà, Mường Nhé, phần lớn các xã mới tách của huyện Nậm Pồ đều chưa có trường, lớp học riêng biệt. Không chỉ vậy, hệ thống trường, lớp học đã bị xuống cấp nhất là đối với cấp tiểu học và mầm non. Theo thống kê, đầu năm học 2013 - 2014, toàn huyện có 38 trường nhưng mới chỉ có 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Về cơ sở vật chất, toàn huyện có 664 phòng học; 125 phòng công vụ giáo viên, 351 phòng ở nội trú học sinh. Vào thời điểm đó, để đáp ứng đủ cho năm học mới toàn huyện cần phải tu sửa, làm lại 133 phòng học, 110 phòng nội trú học sinh; làm mới 69 phòng học, 190 phòng nội trú học sinh và một số bếp ăn cho trường có học sinh bán trú...

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc kiên cố hóa trường lớp học, đặc biệt hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã chủ động lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất theo lộ trình. Trong đó trước mắt chỉ đạo các trường tập trung sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất hiện có, lên kế hoạch đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhà trường, như: Tu sửa và làm mới nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú học sinh, phòng học chức năng... và hệ thống công trình phụ trợ khác trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Theo đó huy động phụ huynh học sinh đóng góp nguyên liệu sẵn có của địa phương, nhân dân, thầy cô giáo, học sinh góp ngày giờ công lao động; xi măng và tấm lợp do phòng, huyện kết hợp các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đến hết năm học 2019 - 2020, nguồn kinh phí xã hội hóa cho ngành giáo dục huyện Nậm Pồ ước tính khoảng trên 17 tỷ đồng. Cụ thể: Các thầy cô giáo, học sinh và nhân dân đóng góp trên 20.000 ngày công lao động và 750m3 gỗ, 1.500m3 cát sỏi. Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ trên 12 tỷ đồng... Đây là thành quả không nhỏ, góp phần giải bài toán về xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học nhà công vụ, nhà nội trú học sinh đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Nậm Pồ. Nhờ vậy, toàn huyện hiện có 26/40 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 22 trường so với năm đầu thành lập huyện, 1 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II (Phổ thông DTBT Tiểu học Chà Nưa).

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ II, cô giáo Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Chà Nưa cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thì tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, mọi tổ chức và cá nhân để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là việc làm hết sức quan trọng. Cô Nhung chia sẻ: Trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện lựa chọn để tập trung xây dựng trường chuẩn mức độ II. Vì vậy, nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm của phòng, huyện, đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới phương pháp dạy học; thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giảng dạy và học tập theo quy định. Hiện nay, trường là đơn vị duy nhất có phòng LAB học môn tiếng Anh đạt chuẩn trên địa bàn toàn huyện. Cùng với đó, trường nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự chung tay đóng góp xây dựng của phụ huynh để xây dựng cơ sở vật chất. Với sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa đã đầu tư lát gạch trên 800m2 sân trường. Không chỉ vậy, vào năm học 2018 khi nhà trường bị lũ quét tràn qua, phụ huynh học sinh, chính quyền xã cũng đã kịp thời có mặt để khắc phục hậu quả. Nhờ vậy, nhà trường đã đạt chuẩn và có thể tiếp tục duy trì chuẩn quốc gia mức độ II trong nhiều năm học trở lại đây.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top