Coi trọng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh

08:25 - Thứ Năm, 15/04/2021 Lượt xem: 6007 In bài viết

ĐBP - Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QÐ-TTg ngày 14/5/2018 (Ðề án 522). Thực hiện đề án này, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh. Ðến hết năm 2020, đề án được đánh giá đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ; song vẫn còn những khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới…

Học sinh cuối cấp lớp 12C1, Trường THPT Mường Ảng ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và lựa chọn ngành nghề. Ảnh: Nguyễn Hiền

Thực hiện Ðề án 522, tỉnh Ðiện Biên xác định mục tiêu: Nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Kế hoạch triển khai xác định các mục tiêu cụ thể, thực hiện thành 2 giai đoạn: 2018 - 2020 và 2020 - 2025.

Trong giai đoạn đầu, tỉnh Ðiện Biên phấn đấu đạt 50% trở lên trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Ðến nay, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Ðào tạo, 100% đơn vị thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề theo đúng tiến độ quy định.

Ngành Giáo dục và Ðào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể làm tốt công tác thông tin tuyên truyền bảo đảm mọi người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin về ngành nghề, dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội, các cơ sở dạy nghề có uy tín, các nghệ nhân hoặc các cơ sở sản xuất đạt hiệu quả. Nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề. Các cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích người học, người dạy và người sử dụng lao động là học sinh sau THPT đi học nghề, nhằm tạo động lực thu hút một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đi học nghề, như: Hỗ trợ qua học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt; hỗ trợ tạo việc làm và giới thiệu việc làm; chính sách lương, phụ cấp, chính sách đối với giáo viên cũng được triển khai.

Xác định rõ, giáo dục hướng nghiệp là việc quan trọng, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai; là bước đi đầu tiên để học sinh hình dung cơ hội việc làm sau này, đặc trưng của những nghề phù hợp và chỉ ra cho các em những gì phải chuẩn bị để sau này có thể gắn bó với nghề đó. Vì thế, cả 4 hình thức giáo dục hướng nghiệp đã được thực hiện khá tích cực: Hướng nghiệp qua dạy - học các môn văn hóa; qua dạy - học môn công nghệ, dạy nghề phổ thông và hoạt động lao động sản xuất; qua việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và qua các hoạt động ngoại khóa khác.

Gần đây chúng ta thấy, nhiều hoạt động trong trường học các cấp diễn ra sôi nổi, mang lại hiệu ứng tích cực cho không chỉ học sinh, mà còn thu hút sự quan tâm của xã hội. Ðó là những hoạt động ngoại khóa với nhiều chủ đề bổ ích thiết thực; các kỳ thi khoa học kỹ thuật; hội thao, hội thi văn hóa - văn nghệ… Ðặc biệt, trong thời đại 4.0, việc đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (giáo dục STEM) đã thực sự là điểm nhấn. Một số đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tư vấn hướng nghiệp và chọn nghề cho học sinh được ngành Giáo dục và Ðào tạo ghi nhận, phải kể đến: Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, THPT Phan Ðình Giót, Phổ thông DTNT tỉnh, THPT huyện Ðiện Biên… Cuối tháng 3 vừa qua, Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) tổ chức “Ngày hội giáo dục STEM” lần thứ nhất và được phụ huynh, học sinh đánh giá thành công, bổ ích. Ngày hội có sự tham gia của trên 850 học sinh trong trường. Nhiều sản phẩm khoa học độc đáo, sáng tạo, như: Mô hình giàn năng thủy lực, ngôi nhà sáng tạo, phòng học xanh, xà phòng tự chế, đài phun nước mini, nước tẩy rửa sinh học, bình lọc nước thông minh, lăng kính chiếu 3D, kính tiềm vọng... đã được các câu lạc bộ STEM trong trường trưng bày, giới thiệu. Cùng với đó, các câu lạc bộ về âm nhạc, mĩ thuật, văn học thể hiện nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn hài kịch… Hiệu quả mà những sự kiện như thế này mang lại, chính là cơ hội để học sinh tập luyện, thể hiện phát triển kỹ năng mềm; khám phá, định hình năng lực thực sự của mình trên cơ sở của sở thích, sở trường, sức khỏe và năng lực của mình. Từ những trải nghiệm này sẽ góp phần giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân. 

Mặc dù được đánh giá hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, song việc triển khai giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Do giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu (chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm), việc giảng dạy nặng thuyết trình chưa hấp dẫn người học; dẫn đến công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp của một số trường chưa thực sự hiệu quả. Tài liệu phục vụ giảng dạy vừa ít, vừa chưa đa dạng, kịp thời. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp còn thiếu. Kinh phí cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp, nhất là hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan về ngành nghề cơ sở sản xuất và cách tính định mức giờ cho giáo viên khi tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp gặp khó khăn… Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn, cũng làm ảnh hưởng lớn tới công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT.

Ðể thực hiện thành công Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” vào năm 2025, với những mục tiêu cao hơn nhiều so với giai đoạn đầu; trong khi những khó khăn đã được chỉ ra đều là những vấn đề không dễ giải quyết; đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực kịp thời hơn về nhiều mặt của các cấp, ngành. Nhất là sự nỗ lực từ các cơ quan, đơn vị đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ… vì tương lai của thế hệ trẻ và hiệu quả công tác đào tạo nhân lực.

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top