Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên có những bước phát triển vững chắc

18:09 - Thứ Sáu, 16/04/2021 Lượt xem: 6360 In bài viết

ĐBP - Đó là nhận định được nêu ra trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh với đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn, diễn ra chiều nay (16/4). Về phía tỉnh Điện Biên, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì làm việc với đoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng trao đổi với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cùng các cấp, ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Điện Biên có nhiều thay đổi tích cực. Quy mô trường, lớp và học sinh tăng; giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; các mục tiêu về phát triển giáo dục, đào tạo đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 500 trường, trung tâm, với 7.415 lớp và 202.515 học sinh, sinh viên, 129 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã thay mặt báo cáo trước đoàn công tác tình hình triển khai thực hiện, kết quả, khó khăn, vướng mắc liên quan đến các nội dung mà đoàn công tác đề cập, bao gồm: Nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non, giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, giáo dục thể chất – thể thao và y tế trường học, thi đua khen thưởng ngành Giáo dục.

Thông qua báo cáo của tỉnh Điện Biên, đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt câu hỏi làm rõ thêm một số khó khăn, vướng mắc mà Điện Biên đã nêu, đồng thời gợi ý một số giải pháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng và đại diện các cơ quan, đơn vị tỉnh nhà đã trao đổi nhiều nội dung để đoàn công tác hiểu hơn về đặc điểm, tình hình công tác giáo dục - đào tạo tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn. Tỉnh Điện Biên đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều nội dung về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; về đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó một số nội dung đáng chú ý, như: Hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ nhà trẻ (từ 3 - 36 tháng tuổi) như mức hỗ trợ trẻ mẫu giáo; tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường phổ thông có học sinh bán trú, giáo viên điểm trường lẻ; tham mưu Chính phủ bổ sung các đối tượng là trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vào đối tượng được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập khi ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo sâu hơn trong công tác đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, triển khai lựa chọn, thay sách giáo khoa phổ thông; huy động các nguồn lực, sự chung tay của toàn xã hội đầu tư cho giáo dục một cách có trọng tâm, trọng điểm; phát huy nội lực, sức mạnh toàn ngành Giáo dục và đào tạo bằng việc trường thuận lợi giúp trường khó khăn, cơ quan, đơn vị này giúp cơ quan, đơn vị kia, huy động công sức lao động của học sinh, giáo viên làm các việc đơn giản (giá sách, trồng cây, chăm sóc vườn trường; rà soát sắp xếp, bố trí cán bộ…).

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top