Chuyện xây trường, dựng lớp tại huyện “trẻ” nhất cực Tây

Bài 2: Giáo viên vượt khó, tự tay xây trường

10:49 - Thứ Năm, 02/09/2021 Lượt xem: 5215 In bài viết

ĐBP - Với muôn vàn khó khăn, các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhưng nguồn lực Nhà nước thì có hạn. Để đảm bảo điều kiện dạy và học, cùng nơi ăn chốn ở cho học sinh, cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ đã nỗ lực gấp bội. Thầy cô vừa lên lớp, vừa tranh thủ ngoài giờ, ngày nghỉ tay bay, tay thước xây trường từ chính nguồn kinh phí mà mình và đồng nghiệp huy động xã hội hóa được.

Bài 1: Những ngày đầu gian khó

 “Cầu nối” xây trường

“Chắc cô Thơm lại đến xin cái gì cho trường rồi” là câu đùa của nhiều cán bộ, nhân dân xã Vàng Đán khi gặp cô Trịnh Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT Tiểu học Vàng Đán, xã Vàng Đán), tại UBND xã hay các công trình đang thi công trên địa bàn. Tháng 8/2015, cô Thơm nhận nhiệm vụ tại Vàng Đán, khi ấy phòng học vẫn là nhà gỗ lửng, nền đất, các công trình khác đều tạm bợ. Trường nằm trên triền đồi dốc cao, chia tầng như ruộng bậc thang, toàn bộ khuôn viên đều chưa được láng nền vì vậy mà mùa mưa trơn trượt nguy hiểm. Cô Thơm thường xuyên lên UBND xã xin hỗ trợ; đến gặp các nhà thầu đang thi công các công trình (trạm y tế, trường học, đường giao thông…) tại xã để xin cho trường xe gạch, xe cát, xe đá hay bao xi măng... Có vật liệu rồi, cô huy động cán bộ, giáo viên cùng nhân dân các bản tự tay xây dựng.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Đán làm lối đi lên Điểm trường Huổi Khương.

Nhờ Hiệu trưởng không ngại “đi xin”, năm 2019 Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Đán bê tông hóa được toàn bộ sân, lối đi trong khuôn viên (khoảng 1.500m2); 2020 hoàn thành 150m kè gia cố và khoảng 30m đường vào trường…

Cô Trịnh Thị Thơm kể lại: “Với suy nghĩ phải xây dựng trường đi lên, giáo viên cùng học sinh yên tâm dạy và học, tôi tranh thủ mọi nguồn lực, gặp doanh nghiệp nào cũng hỏi xin hỗ trợ. Xin được đến đâu làm đến đó, đầu tiên là láng nền cho các phòng học, làm lối đi bê tông nhỏ dẫn quanh khuôn viên. Đến năm 2018, Trường được Nhà nước đầu tư xây nhà lớp học điểm trung tâm. Để trường ngày càng khang trang hơn, chúng tôi tiếp tục xã hội hóa làm sân trường, nhà ăn, kè đá tà luy âm, giếng khoan, nhà tắm, công trình vệ sinh… Nhớ năm 2019, trường bắt tay vào làm sân và kè, được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cấp xi măng, các vật liệu còn lại là đi xin hết. Tôi đứng ra xin doanh nghiệp cho cát, xã cũng giúp thêm 30 khối, sỏi đá thì do giáo viên tự đi thu gom dưới suối. Để có tiền mua gạch, tôi gọi điện nhờ sự giúp đỡ của các cá nhân, đơn vị từ thiện đã từng giúp đỡ trường”.

Còn tại Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ (xã Phìn Hồ), năm 2015, sau khi nhận công tác tại đây, Hiệu trưởng Trần Đăng Khoa đã tham mưu xã, tổ chức họp phụ huynh, vận động nhân dân vào cuộc góp tiền của, công sức nâng cấp nhà bán trú cho học sinh. 6 gian phòng tường gạch ba vanh được dựng lên, đáp ứng nhu cầu bán trú cho khoảng 100 em. Tiếp đến năm 2017, huy động các nguồn lực tu sửa bếp ăn, 2018 làm sân trường, rồi nhà tắm, nhà vệ sinh… lần lượt hoàn thiện. Ngoài kết nối các nhà hảo tâm, để làm sân trường rộng 300m2, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường đã tự nguyện đóng góp 2 bao xi măng; xin Đồn Biên phòng Si Pha Phìn hỗ trợ cát, sỏi; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hỗ trợ gạch lát. Trước đó, khi còn công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Nà Khoa, năm 2013, thầy Trần Đăng Khoa cũng đã kết nối xây dựng được 20 phòng bán trú kiên cố cho học sinh, thay thế nhà tranh tre tạm bợ.

Nhờ nguồn đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa của nhà trường, Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ giờ đây đã khang trang, sạch đẹp.

Sáng làm thầy, chiều... làm thợ

Giáo viên Nậm Pồ được tiếng là đa-zi-năng, không chỉ làm tốt chuyên môn mà còn có “nghề tay trái” đó là làm thợ xây. Do khó khăn về kinh phí, sau khi xin hỗ trợ được vật liệu thì giáo viên bỏ công sức lao động, tự xây lên các công trình, hoàn thiện cơ sở vật chất trường học. Sau nhiều năm bám trụ vùng cao, các giáo viên nam đều tay bay, tay thước chuyên nghiệp không kém thợ xây; giáo viên nữ thì tay cuốc, tay xẻng san nền, làm đường, cùng di chuyển đồ đạc, nguyên vật liệu. Bởi vậy mà các trường đều có tổ điều phối và lao động xây trường.

Công tác tại một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất huyện, cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT THCS Nà Bủng (xã Nà Bủng) cũng có nhiều kinh nghiệm xây trường. Từ sân bê tông, kè đá xung quanh trường, đến phòng bán trú khung sắt, nhà tắm cho học sinh… đều tay thầy cô dựng lên. Công trình khó nhất mà thầy cô thi công là kè gia cố trường. Vì nằm trên đồi cao, để ngăn nguy cơ sạt lở, trường phải kè sau khu bán trú và phần mặt phía trước. Do đất yếu và dốc nên kè sau khu nhà ở của học sinh phải làm cẩn trọng suốt hơn 2 tháng. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng cử cán bộ xuống hỗ trợ tư vấn kỹ thuật. Làm kè không đơn giản, có khi dựng lên một đoạn rồi nhưng không chắc chắn phải đập đi làm lại. Cuối cùng, nhà trường đã hoàn thành được đoạn kè dài hơn 400m, riêng phần chân sâu 2m, lên cao chia 3 nấc, mỗi nấc lùi vào phía trong một khoảng, phía trên đóng cọc sắt và rào thép B40 để bảo vệ chắc chắn cơ sở vật chất. Tổng chiều cao kè 8 - 9m. Trước đó, để chuẩn bị cho công trình này, giáo viên và học sinh các lớp lớn của trường đã mất nửa tháng đi gom đá, sỏi suối Nà Bủng, nhờ hộ dân có phương tiện trở về giúp.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng không chỉ là những người thầy tâm huyết mà còn như những người thợ giỏi tự tay xây trường.

Khi mới thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ xác định mục tiêu “ba cứng” nhà lớp học, nhà công vụ giáo viên, nhà nội trú cho học sinh trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, huy động phụ huynh đóng góp nguyên liệu sẵn có tại địa phương; nhân dân, giáo viên và học sinh góp công sức lao động. Đồng thời tranh thủ mọi sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp; kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng cơ sở vật chất.

Thầy Phạm Quốc Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tranh thủ ngoài giờ lên lớp và cuối tuần, các cán bộ, giáo viên phân công nhau làm các hạng mục, từng ít một theo nguồn lực mình huy động được. Trước đó, nhà trường cũng họp làm công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận, tự nguyện. Các thầy, cô đều nhất trí, nhiệt tình tham gia và hiểu rằng trường khang trang hơn thì cũng sẽ an toàn hơn, nhất là vào mùa mưa lũ. Cùng với đó, công tác giáo dục và huy động học sinh ra lớp đỡ vất vả hơn”.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Đán cũng vậy. Chúng tôi đến Trường vào cuối hè, các cán bộ, giáo viên nam nhà trường đang di chuyển nhà ăn khung sắt đến vị trí khác gần bếp nấu và thuận lợi hơn cho học sinh đi lại. Người dỡ mái, dỡ tường, người tháo lắp, khoan cắt khung hoặc bê vác… ai nấy đều làm thuần thục, nhanh chóng. Thầy giáo Quàng Văn Nam, Tổ trưởng Tổ lao động của trường, chia sẻ: Tổ có 7 thầy giáo “lành nghề” xây lắp, kỹ thuật. Mỗi khi có công việc gì, 7 thầy là nhân lực chính và huy động các thầy, cô khác cùng tham gia hỗ trợ. 5 năm trước, cơ sở vật chất trường còn quá khó khăn, chúng tôi mới bắt tay vào làm dần các hạng mục. Khi ấy có người biết một chút về xây, có người còn chưa từng cầm khoan, cầm bay, thế nhưng làm nhiều quen tay, từ đơn giản nhất là láng nền, làm lối đi, rồi phòng học, bếp ăn, kè trường… giờ thì ai cũng thạo việc. Vì học sinh, vì trường xanh, sạch, đẹp, anh chị em chúng tôi đều cố gắng góp công sức, không nề hà”.

Cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Đán tranh thủ dịp hè tháo dỡ, di chuyển nhà ăn.

“Những năm sau khi thành lập huyện, việc huy động xã hội hóa, từ thiện và bỏ công sức xây dựng trường lớp đã trở thành phong trào sôi nổi trong ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ. Nhờ đó, chỉ sau 2 năm, đến năm 2015, các trường, điểm trường trên địa bàn đã xóa được nhà bạt. Nhiều lớp học, nhà bán trú “3 cứng” được dựng lên” - ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhớ lại.

Giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Si Pa Phìn lấy cát suối về xây trường.

Những năm tiếp sau đó, bằng nguồn đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình giáo dục tại huyện Nậm Pồ dần được đầu tư xây dựng kiên cố. Nhưng với nguồn lực có hạn, còn không ít điểm trường bản vùng cao và hạng mục bổ trợ như: sân trường, sân khấu, đường vào, nhà ăn, giếng nước, tường bao, nhà tắm, nhà vệ sinh… vẫn để ngỏ. Chính các thầy, cô giáo nơi đây đã huy động vật lực, bỏ công sức xây dựng. Nhưng để hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học cần sự vào cuộc, chung tay xây trường của cả hệ thống chính trị huyện.

Bài 3: Sức mạnh từ xã hội hóa

Bài, ảnh: Nhóm P.V
Bình luận
Back To Top