Chuyện xây trường, dựng lớp tại huyện “trẻ” nhất cực Tây

Bài 3: Sức mạnh từ xã hội hóa

12:11 - Thứ Sáu, 03/09/2021 Lượt xem: 4757 In bài viết

ĐBP - Với một địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Nậm Pồ, ngoài việc ngành giáo dục “tự lực cánh sinh” thì rất cần sự tiếp sức từ các nguồn lực xã hội hóa mới có thể hoàn thiện được hệ thống cơ sở vật chất. Và thực tế cho thấy rằng, từ cấp ủy, chính quyền cho đến cộng đồng xã hội đều đã dành mọi sự quan tâm cho “sự nghiệp trồng người” nơi đây…

Bài 1: Những ngày đầu gian khó

Bài 2: Giáo viên vượt khó, tự tay xây trường

Bí thư Huyện ủy xin… nhà vệ sinh

Phần lớn học sinh của huyện là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sống xa nhà, phải ở tại trường. Cơ sở vật chất trường lớp học và các công trình phụ trợ còn nhiều thiếu thốn nên các em học sinh bán trú gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là nhà vệ sinh chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ðứng trước khó khăn đó, đầu năm 2020, đích thân đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy, đại diện cho Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nậm Pồ gửi thư ngỏ kêu gọi ủng hộ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học tới các nhà hảo tâm, nhân dân, phụ huynh học sinh trên địa bàn.

Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cùng Ban Giám hiệu Trường Phổ thông DTBT THCS Nà Khoa, xã Nà Khoa kiểm tra 10 gian nhà vệ sinh mới được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Chia sẻ về bức thư ngỏ đặc biệt này, Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa nói: “Từ trước đến nay, vấn đề xây dựng nhà vệ sinh tại trường học luôn được xem là vấn đề tế nhị, ít người đề cập đến. Phần khác, do đặc thù khó khăn của tỉnh miền núi nói chung, huyện Nậm Pồ nói riêng, các nguồn lực còn đang phải tập trung vào hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường, chưa có nhiều kinh phí đầu tư xây dựng khu vực vệ sinh. Thế nhưng, đây lại là vấn đề quan trọng không kém đối với việc đảm bảo công tác dạy và học ở các trường trên địa bàn. Với gần 20 nghìn học sinh nhưng toàn huyện chỉ có 535 nhà vệ sinh. Có những trường gần 700 học sinh mà chỉ có 10 buồng (ngăn) vệ sinh (Trường PTDTBT THCS Nà Bủng, Nà Khoa, Phìn Hồ, Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa, Nà Bủng). Theo kết quả rà soát của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, toàn huyện còn 406 gian nhà vệ sinh thuộc 36 trường cần xây dựng lại với kinh phí đầu tư ước tính trên 6 tỷ đồng…

Lời kêu gọi của Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của toàn cộng đồng xã hội. Nhờ đó, mà hàng trăm nhà vệ sinh trường học nhanh chóng mọc lên trong niềm vui của thầy và trò ngành giáo dục trong toàn huyện Nậm Pồ.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Nà Khoa sử dụng nhà vệ sinh mới được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Chỉ sau vài tháng phát động, bức thư ngỏ của Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa đã nhận được 850 triệu đồng đóng góp từ các nhà hảo tâm, 560 triệu đồng từ các nguồn lực của người dân… Nguồn lực đó kết hợp cùng với nguồn ngân sách Nhà nước nên trong năm 2020, huyện Nậm Pồ đã xây dựng được 138 gian nhà vệ sinh mới cho 23 trường trên địa bàn, kịp thời phục vụ cho học sinh bước vào năm học mới 2020 – 2021.

Vừa tan hoang sau cơn lũ dữ hồi tháng 8/2020, cơ sở vật chất của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Nhừ, xã Nậm Nhừ vốn đã thiếu thốn lại càng thêm trăm bề khó. Nhất là khu vực vệ sinh cho học sinh của trường vốn được dựng sơ sài bằng gỗ, tôn do thầy cô và phụ huynh đóng góp. 5 gian nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn của… thế kỷ trước không thể đáp ứng nhu cầu, đảm bảo yêu cầu vệ sinh cho hơn 230 học sinh tại điểm trung tâm của trường.

Nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa, bước vào năm học mới 2020 - 2021, trường đã được xây dựng thêm 8 gian nhà vệ sinh mới, kiên cố và đảm bảo vệ sinh. Vừa chỉ về hướng những gian nhà vệ sinh mới xây, cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Nhừ vừa phấn khởi nói: 8 gian nhà vệ sinh được xây mới này đáp ứng được nhu cầu cũng như yêu cầu đảm bảo về sức khỏe cho học sinh nhà trường. Các em có nhà vệ sinh mới sạch sẽ, khép kín với đầy đủ hệ thống nước sạch. Ngoài ra, trường đối ứng thêm kinh phí ốp gạch hoa vào mặt tường phía trong để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho học sinh và giữ cho công trình bền lâu.

Ngược xuôi kêu gọi xóa điểm trường tạm

Thực trạng cơ sở vật chất giáo dục huyện Nậm Pồ không chỉ khiến thầy, cô giáo trong ngành trăn trở mà bất cứ ai đã gắn bó với mảnh đất miền biên viễn này đều không khỏi chạnh lòng. Điều đó không ngoại lệ với chị Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ. Chót nặng lòng với học trò nghèo vùng cao, nên 5 năm trở lại đây, chị xuôi ngược khắp nơi để xin các chương trình từ thiện về cho các trường học của huyện. Cứ đến đầu năm học mới, chị Yến lại “đăng đàn” lên mạng xã hội Facebook kêu gọi sách vở, quần áo mới cho các cháu tựu trường. Tiết trời chuyển đông thì lại xin áo ấm, sữa, bánh kẹo cho các cháu có thêm sức chống chọi với cái rét vùng cao…

Lễ khởi công xây dựng điểm trường Nộc Cốc 1, thuộc Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vàng Đán do chị Yến kêu gọi, kết nối nhà tài trợ.

Nhưng có lẽ việc mà chị cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là đã kêu gọi và kết nối xây dựng được những điểm trường ở những vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Mọi cơ duyên bắt đầu từ khi vào nhận nhiệm vụ ở mảng Chữ thập đỏ, chị có cơ hội được đi tới những nơi khó khăn bậc nhất của huyện Nậm Pồ. Ở mỗi nơi dừng chân, chị lại được chứng kiến những vất vả mà thầy và trò địa phương nghèo nhất nhì nước này đang gặp phải. “Ai có thể cầm lòng được trước những lớp học tạm làm bằng tranh, tre, gỗ tạp, mùa hè chẳng che hết mưa, mùa đông không ngăn nổi gió… Thầy cô dù có nhiệt huyết, học trò dù có siêng năng thì cũng chẳng thể chuyên tâm dạy và học dưới điểm trường như vậy được. Điều đó đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để công cuộc gieo con chữ trên ngàn này vơi bớt gian truân.” - chị Yến xúc động chia sẻ.

Nghĩ là làm, chị bắt tay ngay vào thu thập thông tin từ nhiều nguồn, lựa chọn những điểm trường khó khăn nhất để kêu gọi tài trợ. Lúc đầu là những bài đăng trên mạng xã hội Facebook, rồi kết nối với người thân bạn bè ở khắp nơi. Chị cũng chẳng ngại soạn những bức thư ngỏ gửi tới các tổ chức, đơn vị, các nhà mạnh thường quân để họ lưu tâm tới giáo dục Nậm Pồ. May mắn làm sao khi công sức của chị sau bao ngày đã được đền đáp xứng đáng…   

Ai cũng nói chị Yến khá “mát tay” khi chỉ trong vòng 5 năm, từ 2016 đến nay đã giúp ngành giáo dục Nậm Pồ xóa được 18 điểm trường tạm, thay bằng những điểm trường kiên cố hoặc bán kiên cố. Dù năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng chị cũng đã kịp thời hoàn thiện 1 điểm trường, khởi công và đang tiến hành xây dựng thêm 2 điểm trường mới… Điều đáng nói, đây đều là những điểm trường khó khăn nhất thuộc những xã khó khăn nhất, nhì huyện Nậm Pồ. Có những điểm chẳng thể vận chuyển vật liệu lên để xây được phải chuyển sang làm nhà lắp ghép. Có điểm thì huy động chiến sĩ Bộ đội biên phòng, người dân, phụ huynh học sinh vác bộ vật liệu vào mới có thể hoàn thành việc xây dựng, như: Điểm trường Nậm Nhừ “con”, Huổi Dạo 3, Huổi Lụ 2…

Điểm trường Tiểu học Sam Lang, Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ do chị Yến kết nối được khánh thành trong niềm vui của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân bản Sam Lang.

Ngoài chị Yến, còn không ít những đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm khác trong và ngoài huyện kêu gọi, tham gia xã hội hóa cho giáo dục Nậm Pồ. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, đến hết năm học 2019 - 2020, nguồn kinh phí xã hội hóa cho ngành ước tính khoảng trên 17 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ trên 12 tỷ đồng... Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Đây là thành quả không nhỏ, góp phần giải bài toán về xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ, nhà nội trú học sinh, đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Nậm Pồ. Nhờ đó mà đến hết năm học 2020 - 2021, toàn huyện Nậm Pồ có 42 trường (15 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 12 trường THCS), gồm 218 điểm trường lẻ với 810 phòng. Trong đó: Kiên cố 521 phòng, bán kiên cố 215 phòng, tạm (ba cứng) 74 phòng. Hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng khang trang đã làm vơi bớt khó khăn cho ngành giáo dục, giúp thầy cô yên tâm bám bản, bám trường. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục cho huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Nậm Pồ”.

Trường lớp đổi thay, chất lượng giáo dục nâng lên từng ngày nhưng để bắt kịp với vùng thấp, giáo dục Nậm Pồ vẫn còn nhiều bộn bề…

Đến nay, toàn huyện Nậm Pồ có 28 trường chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ 0 - 2 tuổi ra lớp đạt 41,7%; trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 98,9%; tỷ lệ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ 6 - 10 tuổi ra lớp đạt 99,6%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi học lớp 6 đạt 97,1 %. Ngoài ra, 15/15 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 15/15 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 14/15 xã (93,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3...

 

Bài, ảnh: Nhóm P.V
Bình luận
Back To Top