Giáo dục an toàn giao thông học đường

14:21 - Thứ Tư, 29/09/2021 Lượt xem: 2950 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ còn tình trạng học sinh, nhất là cấp THPT, THCS vi phạm quy định an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Các vi phạm chủ yếu là: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi; không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; đi hàng hai, hàng ba; chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng... Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông học đường, ngay từ đầu năm học 2021 - 2022, Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an TP. Điện Biên Phủ) đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông trong các trường học. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, góp phần hạn chế vi phạm trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP. Điện Biên Phủ tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Hermann Gmeiner Điện Biên Phủ.

Xác định công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học có ý nghĩa quan trọng, giúp học sinh sớm hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm an toàn cho chính các em cũng như cộng đồng, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông tích cực phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy tắc tham gia giao thông cho học sinh; lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông vào các buổi ngoại khóa, các tiết học; tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không điều khiển xe máy, xe gắn máy khi chưa đủ độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định.

Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện đúng quy định an toàn giao thông, ngay sau khi bước vào năm học 2021 - 2022, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông trật tự (Công an TP. Điện Biên Phủ) tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Buổi tuyên truyền dưới hình thức trực tuyến trên ứng dụng Meet, vừa đảm bảo tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông tới hơn 90 giáo viên, nhân viên và hơn 900 học sinh của trường, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông học đường, học sinh được cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình trật tự an toàn giao thông, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông an toàn. Thông qua buổi tuyên truyền, các em học sinh nhận thấy được đây là những việc làm ý nghĩa, bổ ích, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức, nghiêm túc chấp hành việc không đi xe máy khi chưa đủ 18 tuổi, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện và không dàn hàng ngang khi đi đường...

Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết nghiêm túc chấp hành quy định về an toàn giao thông. Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an TP. Điện Biên Phủ) đã tổ chức ký cam kết việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với 722 trường hợp là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố, điều khiển và sử dụng xe máy điện, xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 50cm3 (biển AA). Đặc biệt, từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, ban giám hiệu các trường tổ chức 3 buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại 3 trường học cho trên 1.000 học sinh, cán bộ giáo viên. Ngoài ra, các nhà trường trên địa bàn thành phố đều tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ qua các buổi sinh hoạt, ngoại khóa, phát động học sinh tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ.

Để thực hiện có hiệu quả an toàn giao thông học đường, giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức tự giác chấp hành, có văn hóa khi tham gia giao thông. Và để làm được điều này thì công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các ngành chức năng cần được nâng cao hơn nữa, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top