Vấn đề hôm nay

Đầu tư cho tương lai

14:33 - Thứ Tư, 29/09/2021 Lượt xem: 3733 In bài viết

ĐBP - Với quan điểm "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai", nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên rất quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục trên nhiều mặt. Nhờ đó, cở sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ giáo viên... ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện KT - XH còn khó khăn, mặc dù thực hiện các chương trình, đề án về kiên cố hóa trường lớp học khá tốt, nhưng do ngân sách hạn hẹp, trong khi có quá nhiều trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên cần phải xây dựng, nên đến nay nhiều nơi vẫn còn trường lớp tạm hoặc mới chỉ đáp ứng yêu cầu "3 cứng".

Thống kê cho thấy, đến năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 9.856 phòng học tập và phòng hỗ trợ học tập, bao gồm: 8.689 phòng học tập (trong đó: 6.224 phòng kiên cố, chiếm 71,6%; 1.981 phòng bán kiên cố, chiếm 22,8%; 484 phòng tạm và mượn, chiếm 5,6%); 1.167 phòng hỗ trợ học tập (trong đó: 714 phòng kiên cố, chiếm 61,2%; 376 phòng bán kiên cố, chiếm 29,8%; 77 phòng tạm, chiếm 6,6%). Phòng nội trú có 3.361 phòng, trong đó có 1.616 phòng kiên cố (48,1%), 1.474 phòng bán kiên cố (43,9%), 271 phòng tạm và mượn (8,1%).

Tại các huyện 30a hoặc hưởng chính sách tương tự huyện 30a, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên cơ sở vật chất giáo dục mầm non chưa đảm bảo, số phòng học tạm còn cao (Mường Ảng 18,3%, Mường Chà 13,5%, Điện Biên Đông 9,3%); công trình phụ trợ (bếp, công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt, tường bao…) chưa được xây dựng kiên cố, đặc biệt tại các điểm trường lẻ. Một số điểm trường lẻ, diện tích sân chơi chật hẹp, thiếu học liệu, gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ.

Thường thì các phòng học bán kiên cố, còn gọi là "3 cứng": khung cứng, mái cứng, nền cứng tập trung tại các bản, điểm bản xa trung tâm, đường ô tô chưa vào được, thiếu điện lưới quốc gia, sóng điện thoại thì nơi có, nơi không. Cũng tại những bản, điểm bản xa xôi, cách trở này tồn tại nhiều hơn những trường, lớp học tạm: tranh, tre, nứa, lá. Mùa đông gió lùa tứ bề, nắng thì nóng rát, mưa xuống lớp học ướt sũng, học sinh ngồi bó gối một góc. Đây là nguyên nhân dẫn tới chất lượng giáo dục còn hạn chế; nhiều phụ huynh chưa mặn mà đưa con đến lớp học chữ.

Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, ngành chủ quản đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng huy động, lồng ghép các nguồn vốn và huy động các nguồn lực từ nhân dân xây dựng, tu sửa phòng học, nhà công vụ, phòng nội trú và nhiều hạng mục khác; bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của học sinh.

Đi đầu trong phong trào xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học... phải kể đến huyện Nậm Pồ. Với nhiều giải pháp được đưa ra, từ lãnh đạo huyện ủy, ủy ban, các phòng ban cấp huyện; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục huyện cùng vào cuộc, nên số tiền huy động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất trong những năm gần đây lên đến 17 tỷ đồng. Cơ sở vật chất trường, lớp học được kiến thiết ngày càng khang trang, sạch đẹp, kiên cố, là động lực để thầy cô giáo huyện biên giới Nậm Pồ yên tâm bám lớp, bám trường truyền thụ kiến thức cho học sinh, chất lượng giáo dục theo đó được nâng lên.

Được biết, trong năm học vừa qua, tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân và nhân dân hỗ trợ tiền, hiện vật, ngày công khoảng 73,5 tỷ đồng. Trong đó 9 tỷ đồng tiền mặt, xây dựng 159 phòng học; 42 phòng nội trú; 37 phòng công vụ; 56 công trình vệ sinh; 20.000m2 sân bê tông... Tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tài trợ bằng hiện vật cho học sinh nghèo, các trường khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa như đồ dùng sinh hoạt, học tập, thiết bị văn phòng…

Bên cạnh nguồn xã hội hóa, tỉnh chỉ đạo, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn huy động từ cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác... Với nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm, ngành GD - ĐT, chính quyền địa phương quyết định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trường lớp học tại những nơi cần thiết, cấp thiết, để học sinh được học tập trong môi trường tốt nhất, an toàn nhất. Đây cũng là tiêu chí phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia theo các mức độ khác nhau, kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng quy định của Bộ GD - ĐT. 

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top