Thêm tình yêu với văn hóa dân tộc

09:32 - Thứ Năm, 07/10/2021 Lượt xem: 4999 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã và đang tích cực đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc lồng ghép vào nhiều môn học cũng như các hoạt động ngoại khóa khác. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên bồi đắp thêm tình yêu với văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.

Giờ học tiếng Thái của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sam Mứn (huyện Ðiện Biên).

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hừa Ngài đóng chân trên địa bàn xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%. Do vậy, việc truyền dạy, bảo tồn các nét văn hóa dân tộc Mông, bắt đầu từ tiếng nói, chữ viết luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Thầy Nguyễn Thế Ðiệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hừa Ngài cho biết: Trường bắt đầu triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc Mông cho học sinh tiểu học từ năm học 2011 - 2012 theo Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh Tiểu học, THCS của tỉnh. Ðể dạy tiếng Mông cho học sinh có hiệu quả, trường đã lựa chọn và cử giáo viên là người dân tộc Mông tại địa phương có đủ năng lực, phẩm chất tham gia các khóa bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số. Ðồng thời, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác dạy học tiếng Mông tại nhà trường. Bên cạnh đó, Trường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Mông về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông thông qua việc dạy học tiếng Mông trong nhà trường). Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, sử dụng tranh ảnh đồ dùng dạy học gần gũi, thân thuộc với đời sống thường ngày của các em, như: Trang phục dân tộc của các em đang mặc, quả tù lu, quả pao, cái lu cở, cái nỏ, cái khèn... Việc tổ chức dạy học được gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế như thăm quan các nhà văn hóa, gặp gỡ các nghệ nhân, già làng trong thôn bản để các em được trực tiếp lắng nghe, trao đổi và cảm nhận nền văn hóa Mông. Tổ chức cho các em sưu tầm các câu ca dao, dân ca của dân tộc, tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân tộc; tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của dân tộc; tết dân tộc, thi trình diễn trang phục dân tộc...

Ông Nguyễn Thế Ðiệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Hừa Ngài cho biết: “Qua nhiều năm triển khai thực hiện Ðề án dạy tiếng Mông, học sinh rất yêu thích môn học này vì ở đó các em được nói, được viết, được trao đổi, chia sẻ về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các em hiểu và tiếp thu nội dung bài tương đối nhanh, mạnh dạn, tự tin và tích cực trong các tiết học. Cuối các năm học các em đều xếp loại từ mức hoàn thành trở lên, trong đó số học sinh được giáo viên xếp loại hoàn thành tốt chiếm tỉ lệ khá cao. Ðây là những tiền đề quan trọng để khẳng định môn học tiếng địa phương được dạy tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp tục được triển khai có hiệu quả trong thời gian tới”.

“Thấm” những nét văn hóa truyền thống dân tộc từ khi còn tấm bé nên khi bước chân vào theo học Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, nhóm các sinh viên nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn xây dựng dự án khởi nghiệp  “DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên”. Trưởng nhóm DTEC Quàng Thị Hím chia sẻ: Trước đây phụ nữ dân tộc được học thêu thùa, may vá từ nhỏ, các sản phẩm làm ra để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, do sự ảnh hưởng của nền công nghiệp đa dạng hóa các mẫu mã cùng với sự tiện lợi, giá thành rẻ của các sản phẩm may công nghiệp được những người phụ nữ hiện đại lựa chọn nên các sản phẩm thêu tay ngày một ít và đang dần mai một. Từ thực tế này, nhóm đã có ý tưởng phải gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.

Có thể thấy, việc truyền dạy các nét văn hóa truyền thống đang được các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, bài bản và mang lại những kết quả thiết thực. Qua đó, hình thành ở học sinh, sinh viên tình cảm trong sáng, yêu thương, gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá truyền thống và trách nhiệm đối với sự phát triển của cộng đồng dân tộc và quê hương.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top