Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Tủa Chùa

09:25 - Chủ Nhật, 10/10/2021 Lượt xem: 4263 In bài viết

ĐBP - Huyện Tủa Chùa có khoảng 95% học sinh là con em người dân tộc thiểu số; vốn tiếng Việt của trẻ mầm non còn hạn chế; nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp. Học sinh tiểu học dù có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt song vốn từ còn hạn chế, khả năng sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp nhiều lúc chưa chính xác. Chính vì vậy, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục - đào tạo huyện Tủa Chùa.

Giáo viên Trường Mầm non Tủa Thàng trong tiết dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Triển khai thực hiện Kế hoạch Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, Phòng Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động nghiên cứu và triển khai các giải pháp thực hiện. Ðối với trẻ mầm non, hàng năm các cơ sở giáo dục đã chủ động rà soát thực trạng, căn cứ vào điều kiện thực tế tham mưu mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu phục vụ cho việc dạy và học. Tích cực tuyên truyền, huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ và cộng đồng trong xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ hoạt động; bố trí giáo viên tiểu học là người dân tộc thiểu số tại các điểm trường lẻ dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Ðến nay 100% các trường tổ chức hội thi tự làm đồ dùng, đồ chơi dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, 14/14 trường mầm non huy động cha mẹ trẻ và người dân trên địa bàn tham gia hội thi, giao lưu làm đồ dùng đồ chơi bằng vật liệu sẵn có ở địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ ở trường; 100% giáo viên chủ nhiệm tại các nhóm, lớp được hỗ trợ làm đồ dùng, đồ chơi, tạo môi trường giáo dục trong lớp, ngoài trời; 11/14 trường có thư viện thân thiện để tổ chức các hoạt động cho trẻ trải nghiệm với sách.

Ðối với Giáo dục tiểu học, 100% các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng phổ thông với thầy cô giáo và bạn bè. Các nhà trường đẩy mạnh công tác sinh hoạt Ðội - Sao nhi đồng để học sinh được tham gia các hoạt động tập thể, giáo dục kĩ năng sống trong các tiết hoạt động tập thể hàng tuần. Từ đó giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp; tăng cường các hoạt động truyền thông tại các nhà trường để nâng cao vốn tiếng Việt cho học sinh. Giáo viên tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các loại vật liệu sẵn có ở địa phương, xây dựng “Cây từ vựng” ở các lớp để tạo hứng thú trong học tập của học sinh, sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng hiệu quả thư viện thân thiện, thư viện lưu động, thư viện xanh; tổ chức ngày hội đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” tại lớp, giữa các lớp cùng khối; tổ chức cho học sinh thi “Trạng nguyên tiếng Việt”... Nhờ đó khả năng giao tiếp của các em trở lên mạnh dạn, tự tin hơn. Tỷ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nội dung học tập tăng. Chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cũng tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số bằng các việc làm cụ thể như: Các trường đã hướng dẫn giáo viên khai thác, sử dụng tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa về tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tập huấn nội dung tăng cường tiếng Việt và đưa nội dung tăng cường tiếng Việt vào các kế hoạch giáo dục, lồng ghép vào các hoạt động trong ngày của học sinh. Ðến nay số cán bộ quản lý và giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số là 614 người (cấp mầm non: 238 người, cấp tiểu học: 376 người).

Cô giáo Cà Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tủa Thàng cho biết: Ðể giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ và thuộc lòng tác phẩm tiếng Việt, giáo viên chọn hình ảnh, đồ chơi đẹp, sinh động và có từ tiếng Việt ngắn gọn. Giáo viên linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu phù hợp các độ tuổi của trẻ, từ đọc tên các tranh ảnh, học thuộc bài thơ, bài hát cho đến ghi nhớ, hiểu và biết vận dụng từ ngữ để giao tiếp.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top