Nâng chuẩn đào tạo thạc sĩ

14:30 - Thứ Hai, 11/10/2021 Lượt xem: 5308 In bài viết

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định chuẩn chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng.

Tân thạc sĩ và tiến sĩ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhận bằng tốt nghiệp tháng 10-2020.

Điểm mới nhất trong Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2021 (Thông tư 23) so với Thông tư 15/2014 (Thông tư 15) của Bộ GD-ĐT là điều chỉnh theo hướng phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh, cho phép tuyển sinh, đào tạo trực tuyến kèm điều kiện. Cùng với đó, Thông tư 23 theo sát tinh thần của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34), là cho phép các cơ sở đào tạo kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển, các điều kiện đầu ra để nâng cao chất lượng đào tạo. 

Được xét tuyển và đào tạo trực tuyến 30% 

Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Thông tư 23 có nhiều điều chỉnh một số nội dung để quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ cho phù hợp với Luật số 34 cũng như hệ thống văn bản liên quan tới Khung Trình độ quốc gia và Khung Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về chuẩn chương trình đào tạo.

Theo đó, Thông tư 23 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Về tuyển sinh, quy chế hiện hành tại Thông tư số 15 chỉ có hình thức thi tuyển và quy định rất chi tiết về đề thi, tổ chức thi, chấm thi. Tuy nhiên, quy định mới cho phép cơ sở đào tạo được sử dụng phương thức thi tuyển, xét tuyển; kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển và có ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng ngành đào tạo. 

Điểm mới nữa là Thông tư 23 cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng kiến thức chương trình đào tạo. Thông tư 23 cũng tăng cường quản lý chất lượng đầu ra khi quy định chuẩn đầu ra phải đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam. Chuẩn đầu ra này cũng là điều kiện đầu vào của tuyển sinh trình độ tiến sĩ tại Việt Nam. 

Thông tư 23 cũng có độ mở trong quy định về trình độ người hướng dẫn, đào tạo thạc sĩ (phải từ tiến sĩ trở lên) với một số ngành, lĩnh vực đặc thù ở trường nghệ thuật. Thực tế, ở một số ngành đặc thù thuộc khối nghệ thuật, thường có nghệ sĩ (NSƯT, NSND) hướng dẫn học viên nhưng họ không có bằng tiến sĩ, chỉ có kinh nghiệm. Do đó, tại điểm 5, Điều 8 Thông tư 23 cũng mở hơn khi giao cơ sở đào tạo quy định chi tiết về tiêu chuẩn, người hướng dẫn, trách nhiệm người hướng dẫn luận văn… Bên cạnh đó, để hạn chế việc một giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu tràn lan, không có công cụ kiểm soát chất lượng, dự thảo đã bổ sung nhiều quy định để siết chất lượng hơn so với quy chế hiện hành.

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ phải tuân thủ quy định chuẩn chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng. Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy từng chương trình và do giám đốc, hiệu trưởng cơ sở đào tạo quy định, kéo dài không quá 2 năm so với thời gian thiết kế của chương trình. Về phương thức xét tuyển, cơ sở đào tạo căn cứ kết quả học tập ĐH, đề xuất nghiên cứu với chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu. Các trường ban hành quy chế tổ chức xét tuyển cho phù hợp với trường và ngành đào tạo, chẳng hạn xét hồ sơ học tập, kinh nghiệm làm việc, bài luận về bản thân, thư giới thiệu của giảng viên hoặc người quản lý, đề xuất đề tài nghiên cứu đối với chương trình theo định hướng nghiên cứu…

3 nội dung cần tiếp tục cải tiến

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: “Thông tư 23 cho phép tuyển sinh và đào tạo trực tuyến trình độ thạc sĩ là phù hợp xu thế hiện nay. Theo tôi, có 2 điểm mới quan trọng trong quy chế này là: linh hoạt phương thức tuyển sinh, cơ sở đào tạo có thể tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển; cho phép đào tạo trực tuyến 30% khối lượng chương trình. Điều này sẽ giảm áp lực thi cử, đồng thời tạo điều kiện cho cả người học và cơ sở đào tạo triển khai trong bối cảnh dịch bệnh. Tất nhiên, cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng đào tạo của mình”.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng, việc thi đầu vào thạc sĩ hay tiến sĩ hầu như các quốc gia trên thế giới đã bỏ rồi và họ xét tuyển nhưng với tiêu chí ở mức độ ngặt nghèo khác nhau. Nhìn chung, cho xét tuyển đầu vào là xu thế hiện nay. Quan trọng là đảm bảo chất lượng đào tạo vì uy tín, danh dự của trường. Vì thế không nên quá lo lắng đầu vào, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn chất lượng khung và kiểm soát chất lượng đào tạo, ban hành quy định nhằm đảm bảo luật chơi công bằng. 

Theo một lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM, Thông tư 23 có nhiều điểm tiến bộ, tiếp cận chuẩn quốc tế như cho phép tích lũy tín chỉ, chuyển đổi cơ sở đào tạo, đa dạng hình thức tuyển sinh và đào tạo... 

Tuy nhiên, có 3 nội dung Bộ GD-ĐT nên tiếp tục cải tiến thời gian tới. Thứ nhất, việc cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng chương trình đào tạo mà không phải là 10% hay 80% thì chưa lý giải được. Hơn nữa, hình thức đào tạo hỗn hợp (vừa trực tuyến vừa trực tiếp), thì tính như thế nào? Quan trọng hơn là nên có hình thức đào tạo trực tuyến 100% với quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, quy định “ngành phù hợp” nên chăng xem xét thêm công việc hiện tại của người học như một tiêu chuẩn. Ví dụ như tốt nghiệp ngành Khoa học Máy tính nhưng làm quản lý giáo dục trên 3 năm thì được học chương trình thạc sĩ về Quản lý giáo dục. Quy định thêm như vậy vừa khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, vừa phù hợp thực tiễn.

Thứ ba, về địa điểm đào tạo, Bộ GD-ĐT nên cho phép đào tạo tại địa phương các chương trình thạc sĩ ứng dụng, thay vì bắt buộc học tại cơ sở đào tạo. Cách làm này đảm bảo quyền được tiếp cận kiến thức mới với chi phí thấp cho nhiều người học, khai thác tối đa phương thức đào tạo trực tuyến. Nên có quy định cụ thể về phạm vi địa lý và yêu cầu chất lượng (chẳng hạn kiểm định) và giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo thì sẽ hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Luật số 34 đã trao quyền tự chủ rất lớn cho cơ sở GD-ĐT, kèm với đó là trách nhiệm giải trình của các trường. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế đào tạo thạc sĩ và cả tiến sĩ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập và tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường được tự chủ mở ngành, tuyển sinh, liên kết đào tạo nhưng theo đó phải nâng cao chất lượng theo chuẩn mực quốc tế. 

P.V (theo SGGP)
Bình luận
Back To Top