Những cô giáo ở Mường Lói:

Không ai dừng lại

09:40 - Thứ Bảy, 16/10/2021 Lượt xem: 5510 In bài viết

ĐBP - Công tác tại địa bàn khó khăn, hiểm trở bậc nhất của tỉnh với đèo cao, suối sâu, không điện, không sóng điện thoại, không đường kiên cố... Ở nơi xa ánh sáng đô thị hàng trăm ki lô mét, cách trung tâm xã 30 - 40km, những nữ giáo viên mầm non ở xã biên giới Mường Lói (huyện Điện Biên) phải đối mặt với muôn nỗi gian nan, những trăn trở, nỗi cô đơn, u uẩn. Nhưng những cô giáo nơi đây vẫn hàng ngày gắn bó với những em bé vùng cao còn thiếu thốn đủ bề, yêu và xác định con đường đã chọn là: “Không được dừng lại, vì sự nghiệp giáo dục vùng khó”.

Để vào được các điểm trường, giáo viên xã Mường Lói phải vượt qua nhiều núi cao, vực sâu và những con suối.

Cô Nhất... 

Nữ giáo viên chúng tôi muốn nhắc đến đầu tiên là Mè Thị Nhất, dù cô không phải là nữ giáo viên đầu tiên chúng tôi gặp trong chuyến tác nghiệp “đầy mạo hiểm” dọc theo con suối Huổi Không, qua 3 bản “toàn không”: Huổi Không - Co Đứa - Huổi Chon của xã Mường Lói, mà là bởi lời giới thiệu đầy ấn tượng của cô khi gặp: Em tên Nhất nên có nhiều cái “nhất” như: Ngã xe nhiều nhất, trẻ nhất, hay khóc nhất, nhà ở xa nhất trong các giáo viên trong trường...”. Mè Thị Nhất, 24 tuổi, nhà ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Tốt nghiệp Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc, cô Nhất về nhận công tác ở Trường Mầm non Mường Lói đến nay đã 3 năm, mỗi năm phụ trách 1 điểm trường, lần lượt là: Tin Tốc, Noong É và năm học này là điểm trường Co Đứa. Nhất chia sẻ: Em vẫn gọi quê Mường Giàng là nhà bởi vì... chưa có chồng! Có dịp là về nhà bố mẹ đẻ với hành trình hơn 200km, qua TP. Điện Biên Phủ, qua huyện Tuần Giáo, sang huyện Quỳnh Nhai. Rồi như có nỗi niềm dâng lên, Mè Thị Nhất nghẹn lời lại, bảo: “Thế mà 1 năm rưỡi rồi em chưa về nhà thăm bố mẹ được. Tại nơi công tác xa quá, rồi còn dịch bệnh Covid-19 nữa...”.

“Còn mấy cái “nhất” thì như anh chị thấy, đường vào các điểm trường đều vô cùng hiểm trở, dốc dựng đứng, mà chân em thì... ngắn quá, ngồi xe máy chống chân toàn hụt và ngã, ngã đau thì khóc thôi, vừa đi vừa khóc! Từ lúc nhận công tác, xe máy của em đã phải thay hơn chục cái gương, vì xe đổ là gương vỡ, phải mua cái mới. Tại điểm trường của em, bản Co Đứa còn nghèo và khó khăn mọi bề, không điện, không sóng điện thoại, không đường đúng nghĩa (đường đất tạm, đường mòn theo vách núi). Thú thật là lúc đầu chưa quen với đường đất tạm (ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, 100% đường thôn bản đã bê tông hóa), điểm trường ở xa trung tâm xã (khoảng 30km), bản như một “ốc đảo”, đến một hộ bán nhu yếu phẩm, tạp hóa cũng không có, không có gì để kết nối với bên ngoài, cứ chiều xuống, tiễn các con rời trường là em lại ngồi khóc. Vậy là khóc từ lúc đi, vào đến nơi... vẫn khóc!” - cô Nhất trải lòng.

Câu chuyện của cô giáo Nhất dừng lại khi những phụ huynh đưa con em đến lớp sáng thứ 6. Dù còn những khó khăn thuộc diện “bất khả kháng” nhưng với sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, hiện điểm trường mầm non Co Đứa đã cơ bản được đầu tư hạ tầng, vật chất tối thiểu với nhà lớp học lắp ghép, nền cứng, bể nước, nhà vệ sinh. Có một chi tiết khá tế nhị nhưng nhận được sự quan tâm của nữ phóng viên trong nhóm tác nghiệp chúng tôi, đó là chưa có nhà tắm cho cô giáo, thậm chí chị em còn bàn: Nên quây một góc cạnh bể nước để làm nhà tắm. Nhưng cô giáo Nhất phản đối vì: “Chỗ đó là để các con rửa tay chân, không làm được. Em tự khắc phục thôi!”.

Buổi học cuối trong tuần tại điểm trường mầm non Co Đứa diễn ra với các nội dung vui chơi, hoạt động trải nghiệm, khám phá của các bé. Mô hình trải nghiệm “Góc chợ quê” được cô Nhất và đồng nghiệp tự tay làm với mái lán nhỏ, bên trong trưng bày các loại củ quả, hàng thổ cẩm (phần lớn là đồ thật), những “khách hàng” tí hon của “Góc chợ quê” hào hứng “mua” nông sản, tiếng cười nói rộn ràng. Cô giáo Mè Thị Nhất cũng nở nụ cười, tươi tắn như chưa hề có những giọt nước mắt rơi!    

Cô và trò điểm trường mầm non Huổi Không chào tạm biệt đoàn cán bộ, giáo viên, phóng viên.

“Không được dừng lại”    

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Tòng Thị Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lói cho biết: Nhà trường có điểm trường trung tâm (bản Na Cọ) và 7 điểm bản với 225 trẻ; 7 điểm trường ở các bản đều chưa được kiên cố hóa. Bằng nguồn lực của ngành và sự quan tâm, hỗ trợ, kết nối của lực lượng bộ đội biên phòng, các nhà hảo tâm trong cả nước, các điểm trường được cứng hóa bằng nhà lắp ghép, nền bê tông. Về điều kiện đời sống sinh hoạt, giao thông, thông tin... 6/7 điểm trường (trừ điểm trường bản Lói trung tâm xã) rất khó khăn khi chưa có điện, sóng điện thoại, đường sá cách trở.

“Nếu muốn đến thăm cô và trò mầm non ở các điểm trường khó khăn bậc nhất của xã thì mời các đồng chí đi cùng đoàn cán bộ, giáo viên dự giờ kiểm tra chất lượng đầu năm của nhà trường vào sáng mai. Lộ trình lần lượt là 3 bản: Huổi Không, Co Đứa, Huổi Chon, cách trung tâm từ 25 - 40km. Nhưng tôi nhắc trước là sẽ vất vả đấy, phải sẵn sàng cả tinh thần và sức khỏe, đồng thời cần thời tiết ủng hộ nữa, chứ mưa là bất khả thi!” - cô Minh chia sẻ.

Để sẵn sàng cho “chuyến chinh phục cùng các cô giáo mầm non” mà theo Thượng tá Hà Đại Trung, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc là “hơn cả tập gym”, Ban Chỉ huy Đồn đã tạo điều kiện, ưu tiên cử Thượng úy Vàng A Chay, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng - một tay lái đường đèo núi lão luyện cùng “chiếc xe máy khỏe nhất của Đồn” hỗ trợ nhóm tác nghiệp chúng tôi đi Huổi Không - Co Đứa - Huổi Chon. Bước vào lộ trình, ngay từ con dốc đầu tiên trước cửa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc, dù đã chuẩn bị tinh thần và cũng không quá xa lạ với những con dốc dựng ở vùng cao Điện Biên nhưng thực sự chúng tôi vẫn hơi “choáng” với độ dốc của con đường. Xe cài số 1 ngay từ chân dốc, chồm người về phía trước, 2 tay ghì chặt xuống tay lái để xe không bị bốc ngược, mất lái, khái niệm “tập gym” của Thượng tá Trung lập tức đi vào thực tiễn. Cứ như vậy, hết con dốc này nối tiếp con dốc khác, dầu làm mát máy của chiếc xe khét lẹt vì hoạt động hết công suất. Lên nhiều rồi cũng phải xuống, vẫn với độ dốc “tái mặt”, vẫn cài số 1, nhích từng đoạn trên lối mòn đi nương vắt vẻo lưng núi, đôi tay và chân đạp phanh của chúng tôi cảm giác như tê dại... Đôi lúc muốn dừng lại, vừa nghỉ vừa tranh thủ ghi lại một số hình ảnh trên quãng đường, nhưng từ thực tế cảm nhận và lời cảnh báo của Thượng úy Chay thì: “Không dừng lại được đâu! Xe sẽ lăn xuống vực đấy!”.

3 bản chúng tôi đến của người Khơ Mú, đồng bào quen sống dưới thung lũng, nơi có những con suối đi qua, cụ thể các bản Huổi Không - Co Đứa - Huổi Chon có suối Huổi Không và Nậm Ma. Vì vậy, hết đèo thì đến suối, mùa này nước rút nhưng vẫn ngập già nửa bánh xe, có những đoạn lòng suối chính là đường, dài hàng trăm mét và vẫn “không được dừng lại” nếu không muốn xe “sặc nước” chết máy hoặc ngã xuống suối. Tổng cộng cả lộ trình 80km cả đi và về, chúng tôi không thống kê được số đèo lên - xuống dốc nhưng có 12 lần qua suối, và dù không ngã xuống suối nhưng cũng ướt nửa thân người.

Thăm từng điểm trường, đầu tiên là Huổi Không với nhiều cái “không”, nhưng cô giáo mầm non Lường Thị Quyết và 9 bé từ 3 - 5 tuổi vẫn đón rồi tiễn chúng tôi tiếp tục hành trình bằng nụ cười tươi rói. Vào đến Co Đứa đã cuối chiều nên cô Mè Thị Nhất “nhập hội” với đoàn để cùng đến điểm cuối Huổi Chon. Bữa cơm tối có rau các cô tự trồng, rêu nướng thu hoạch dưới suối và thịt vịt được Thượng úy Vàng A Chay tranh thủ mua trên đường đi, góp chung cho bữa cơm đón khách của 2 cô giáo điểm trường Huổi Chon: Lò Thị Quỳnh, Lò Thị Sọn.

Trong bữa cơm được soi sáng bằng đủ loại đèn (tích điện, điện thoại, pin), những câu chuyện về cuộc sống, về nghề nghiệp được các cô giáo ở Mường Lói sẻ chia, vui có, buồn có. Cô Quàng Thị Hằng Thu, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lói - Trưởng đoàn dự giờ, kiểm tra chất lượng đầu năm thổ lộ: “Tôi từng công tác tại bản Huổi Chon này năm 2007, gắn bó với các em nhỏ ở đây 2 năm học. Thỉnh thoảng vẫn quay lại trong các chuyến công tác của nhà trường. Thú thật, 14 năm qua, thời gian như ngừng lại ở nơi này, bởi điều kiện hạ tầng và cuộc sống của bà con vẫn thế, đầy khó khăn. Nhưng chúng tôi thì khác, chúng tôi sẽ vẫn đến, vượt qua những dốc núi cao, lội qua các con suối, vì nhiệm vụ công tác, vì những đứa trẻ thiệt thòi nơi đây. Và sẽ không ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các con!”.

Tuệ Lãm
Bình luận
Back To Top