Chủ động phương án, không trông chờ ỷ lại “Máy tính cho em”

08:20 - Thứ Hai, 18/10/2021 Lượt xem: 2927 In bài viết

ĐBP - Điện thoại, ti vi thông minh, máy tính là những thiết bị học trực tuyến vẫn còn rất thiếu thốn tại địa bàn vùng cao Điện Biên, thậm chí nhiều nơi trong tình trạng “trắng”, không có. Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ 100% trẻ em, cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo có máy tính và có kết nối internet để thực hiện dạy và học trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tuy nhiên các việc triển khai chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ta vẫn chủ động gỡ khó, xây dựng kịch bản dạy và học trong tình huống dịch bùng phát, không trông chờ ỷ lại vào chương trình.

Huyện Nậm Pồ có gần 77% học sinh chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến. Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: “Để đảm bảo công tác dạy và học, Phòng chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn cơ bản chuẩn bị sẵn sàng máy chiếu, thiết bị phục vụ học trực tuyến tại nhà trường. Tuy nhiên, thiết bị học trực tuyến cho học sinh thì còn nhiều khó khăn. Hiện chưa nhận được sự hỗ trợ nào về máy móc thiết bị học trực tuyến cho học sinh. 100% học sinh đều đang tham gia học trực tiếp tại trường. Nếu dịch bệnh xảy ra, trường học phải đóng cửa có thể sẽ triển khai phương án giao bài về nhà cho học sinh. Nhưng để làm được điều đó thì không dễ dàng, phải có sự phối hợp, quản lý con em từ phía phụ huynh”.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa cũng gặp những khó khăn tương tự. Thầy Phạm Văn Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học này Trường có 469 học sinh, trong đó 359 học sinh hộ nghèo, cận nghèo chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngoài ra xã còn 3 bản chưa có điện, có triển khai học trực tuyến thì các em tại những bản này cũng khó mà tiếp cận được. Năm trước nghỉ dịch dài, nhà trường đã phải chỉ đạo giáo viên mang bài đến từng bản giao cho học sinh, nhưng không hiệu quả. Trước thực trạng đó, Trường đã đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, ban ngành, đoàn thể huyện và kêu gọi xã hội hóa thiết bị cho các em nhưng chưa có kết quả. Cán bộ, giáo viên đang nỗ lực đảm bảo tốt công tác dạy và học, phòng dịch an toàn để ngăn chặn Covid-19 xảy ra tại địa bàn nói chung, nhà trường nói riêng, nhằm triển khai thuận lợi năm học 2021 - 2022”.

Năm học 2021 - 2022, Điện Biên có 297 trường giáo dục phổ thông với 141.772 học sinh. Trong đó còn 74,54% tổng số học sinh phổ thông toàn tỉnh chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến (50,48% học sinh hoàn cảnh khó khăn không có khả năng trang bị thiết bị phục vụ học tập trực tuyến). Ngoài ra hạ tầng viễn thông cũng còn hạn chế khó có thể tổ chức dạy và học trực tuyến cho 100% địa bàn. Theo thống kê của Sở Công thương, đến hết ngày 30/7, Điện Biên còn 259 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ 91,42% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Là “vùng xanh”, 100% các cơ sở trường học tại địa bàn tỉnh ta đều đang triển khai cho học sinh học trực tiếp. Các đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị, khu vực. Trong đó, ưu tiên đảm bảo nội dung cốt lõi, căn bản của chương trình; lịch học, thời khoá biểu của cán bộ giáo viên, giảng viên và học sinh được các cơ sở bố trí linh hoạt dựa trên thực tế. Nhiều cơ sở giáo dục tại địa bàn thuận lợi đã và đang tổ chức dạy và học trực tuyến chuyên đề, chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông với thời lượng nhất định. Cán bộ, giáo viên chủ động xây dựng nguồn học liệu, các bài giảng điện tử để sử dụng thường xuyên trong quá trình dạy học hoặc dạy học trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường.

Với mục tiêu giáo dục ứng phó với dịch bệnh, ngày 1/10, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động trong toàn ngành quyên góp, ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh phát động phong trào quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”, vận động, huy động mọi nguồn lực ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không có khả năng mua. Dù vậy, với tỷ lệ học sinh và địa bàn “trắng” thiết bị quá lớn, để bao phủ được rộng khắp, đạt 100%, cần một sự chung tay, góp sức dài hơi. Vì vậy, trước mắt các trường vẫn duy trì dạy và học tại trường, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và sẵn sàng các phương án, kịch bản cho tình huống dịch bệnh bùng phát.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top