Vun đắp tình yêu, xây trường hạnh phúc

08:39 - Thứ Năm, 21/10/2021 Lượt xem: 4991 In bài viết

ĐBP - Xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã bắt tay xây dựng cảnh quan trường học sạch đẹp, thu hút học sinh. Qua đó, vun đắp thêm tình yêu của trẻ với mái trường, góp phần từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ). Ảnh: C.T.V

Cán bộ, giáo viên là “nhà thiết kế”

Tọa lạc giữa bản Huổi Phúc - bản đặc biệt khó khăn của xã Noong Luống (huyện Điện Biên), Trường Mầm non Noong Luống trở thành điểm sáng nổi bật giữa những mái nhà sàn đơn sơ của đồng bào bản địa. Trong căn phòng họp, mỗi mảng tường đều được thiết kế, sơn vẽ với những chủ đề khác nhau, cô giáo Nguyễn Thị Bến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục nên mọi công tác tổ chức, hoạt động của trường đều hướng đến trẻ, dựa trên nhu cầu, hứng thú của trẻ. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, thì điều đầu tiên có thể thu hút, tác động trực tiếp lên cảm xúc, tâm lý các con chính là những thứ có thể nhìn thấy bằng mắt. Bởi thế, chúng tôi xác định, cảnh quan trường học, lớp học phải thật sự đẹp và phù hợp. Mục tiêu của trường là “không để bất cứ góc nào là góc chết, không có hình ảnh nào là xấu xí”, mọi không gian từ khuôn viên bên ngoài, cho đến trong từng lớp học đều được làm cho sống động hơn. Đơn cử tại khu nhà vệ sinh của trẻ, trước đây có 1 kho để chứa củi, nhìn vào rất mất thẩm mĩ. Tuy nhiên, nhà trường đã dọn sạch sẽ, sơn màu bắt mắt và bố trí thêm 1 vườn hoa nhỏ, 1 góc trải nghiệm, với nhiều tiểu cảnh thú vị hấp dẫn hơn với học sinh.

Cùng với đó, trường tận dụng tối đa khuôn viên, không gian để thiết kế, làm mới bằng cách sơn, vẽ, trang trí lại dựa trên những mẫu tranh phù hợp tâm lý, lứa tuổi trẻ được tham khảo, nghiên cứu kĩ lưỡng. “Trường không phải thuê thiết kế bên ngoài mà các cô giáo chính là họa sĩ, trực tiếp cầm bút vẽ, cầm sơn tô màu. Nhà trường cũng rất may mắn là có nhân viên bảo vệ rất khéo tay. Toàn bộ các khung sắt tạo hình thù, tiểu cảnh, cho đến giá, tủ sách, đồ dùng trong lớp học đều do nhân viên này tự chế tạo ra từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, theo mẫu chúng tôi đưa sẵn” - cô Bến chia sẻ.

Ngoài ra, giáo viên trong trường đều được khuyến khích sáng tạo, tự làm đồ dùng dạy học, tạo cảnh quan lớp học, khuôn viên nhà trường. Cô Quàng Thị Thủy, giáo viên Trường Mầm non Noong Luống cho biết: Mỗi giáo viên không chỉ thực hiện nhiệm vụ trên lớp, mà tự có trách nhiệm tạo dựng lên lớp học, trường học của mình. Từ việc tô vẽ những mảng tường, góp trồng từng cây xanh, hay thiết kế đồ dùng trong lớp… Những điều này trên trường lớp chỉ học qua, và tất cả đều được rèn giũa từ thực tế. Thế nên nhiều người mới hay đùa bảo chúng tôi là những người đa di năng…

Nói về những thay đổi của Trường Mầm non Noong Luống, ông Cà Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã tự hào: Cơ sở hạ tầng trường mầm non được đầu tư xây dựng lâu rồi. Nhưng mới được các cô giáo “tân trang”, thiết kế lại. Toàn bộ là do bàn tay các cô tự sơn, vẽ, sáng tạo rất đẹp và hấp dẫn. Đến người lớn còn bị thu hút nữa là trẻ mẫu giáo… Điều này cũng góp phần vào tỷ lệ huy động học sinh ra lớp luôn đảm bảo, đặc biệt là đối với cấp học mầm non. Vài năm trở lại đây thay đổi hẳn. Các gia đình đều muốn cho con em đi học, trẻ em cũng muốn đến trường. Thậm chí, tỷ lệ trẻ từ 0 - 18 tháng tuổi ra lớp mấy năm vừa rồi luôn duy trì đạt 100%...

Phụ huynh cùng góp sức

Trường Mầm non Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ hiện là nơi theo học của gần 600 trẻ là con em các dân tộc Mông, Thái... trên địa bàn xã. Trường có 1 điểm trung tâm và 10 điểm lẻ, nằm rải rác ở các bản. Với các cô giáo ở miền biên viễn này, những lớp học đủ đầy, vang tiếng trẻ thơ mỗi ngày là niềm hạnh phúc, để họ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn... Là 1 trong những người đầu tiên “góp sức” cho giáo dục mầm non ở đây, cô giáo Lò Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Si Pa Phìn chia sẻ: Để thu hút trẻ vui vẻ đến lớp, việc tạo dựng cảnh quan hấp dẫn, gần gũi với lứa tuổi học sinh đã được nhà trường coi trọng nhiều năm nay. Làm sao để mỗi điểm trường phải trở thành một “vườn cổ tích”. Mỗi cô giáo tự trở thành “nhà thiết kế” để lên ý tưởng sáng tạo cho mình. Trên cơ sở đó, trường sẽ đi tìm và huy động sự hỗ trợ, chung tay của các bậc phụ huynh. Khi chúng tôi phát động, phụ huynh ủng hộ nhiệt tình lắm. Họ sẵn sàng xuống suối nhặt sỏi, đá; thu gom vỏ chai nhựa, lốp xe cũ…; rồi cùng giáo viên cắt ghép, tô màu để tạo ra các sản phẩm đồ chơi cho trẻ. Thậm chí, nhiều nhà có gỗ, tre thừa sẵn sàng thiết kế thú nhún, hình thù các con vật để tạo dựng khuôn viên vườn trường.

Với gần 40 giáo viên Trường Mầm non Si Pa Phìn, hình ảnh cụ ông Vàng Văn Giang, bản Tân Lập, trong một buổi tu sửa lớp học vào tháng 8/2020 đã để lại nhiều xúc động. Cô Hà kể: Ông Giang có cháu là Vàng Minh Tiệp đang theo học tại điểm bản Tân Lập. Năm học trước, lớp học bị gió làm cho tốc mái, hư hỏng một số vật dụng. Mặc dù đã gần bước sang tuổi 80, nhưng khi thấy các cô giáo vất vả, ông đã nhiệt tình lên hỗ trợ. Nhìn cụ già tóc bạc trắng, lom khom, lúc đầu giáo viên cũng e ngại lắm. Nhưng thấy cụ rất nhiệt tình, hồ hởi cùng mọi người, nên chúng tôi rất xúc động. Cũng chỉ dám cho cụ làm các việc nhẹ, đơn giản. Quan trọng là hiểu được tình cảm của bà con với mình.

Hình ảnh cụ ông Vàng Văn Giang “góp sức” tu sửa điểm trường Tân Lập là minh chứng cho sự thay đổi tư duy của người dân đối với việc học của con, em vùng cao. Nhờ đó mà giờ đây, không chỉ ở trung tâm, 100% điểm trường mầm non đều được thiết kế, trang trí như một “vườn cổ tích” thu nhỏ. Những hình ảnh mô phỏng các nhân vật trong truyện cổ tích tạo ra từ nguyên liệu đơn sơ, nhưng được tô điểm bằng những gam màu tươi sáng, thu hút sự tò mò, khám phá ở trẻ. Cứ thế mỗi ngày lên lớp của cả cô và trò đều trở nên thú vị hơn. Và lớp học mầm non luôn là điểm sáng nổi bật, giữa điệp trùng đồi núi của mảnh đất miền biên viễn Si Pa Phìn.

Theo ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn có được sự đổi thay này là nhờ nỗ lực của chính các cô giáo. “Trước đây, bà con chỉ tập trung lo làm ăn, nên con cái thường bỏ mặc ở nhà tự chơi, tự chăm nhau. Vì vậy, một trong những khó khăn đặc thù của giáo dục ở đây đến từ chính nhận thức của phụ huynh. Nhưng những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đều hiểu được lợi ích khi cho con đến lớp. Phụ huynh có thời gian tập trung lao động sản xuất, lại yên tâm vì con em được chăm sóc, phát triển toàn diện. Vì thế, trẻ trong độ tuổi mầm non đều đến trường đầy đủ. Không chỉ tạo mọi điều kiện cho con đến lớp, phụ huynh còn nhiệt tình tham gia vào mọi hoạt động của các nhà trường, đóng góp công sức để tạo dựng lên ngôi trường đẹp hơn...

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top