Y tếHỏi đáp về dịch covid-19

Chuẩn bị tâm lý và chăm sóc trẻ khi tiêm vaccine phòng Covid-19

15:42 - Thứ Năm, 28/10/2021 Lượt xem: 2818 In bài viết

Theo các chuyên gia, để chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ, trước ngày đi tiêm vaccine, cha mẹ hãy nói chuyện với con về lợi ích của tiêm ngừa.

(Ảnh: HCDC)

Câu hỏi: Tôi cần chuẩn bị tâm lý cho con thế nào khi đi tiêm vaccine. Cách theo dõi sau tiêm vaccine với trẻ em có khác người lớn không?

Trả lời: 

Ngày 27/10, TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đầu tiên cho trẻ từ 12-17 tuổi tại huyện Củ Chi và quận 1. Trong ngày đã tiêm tổng cộng cho 1.688 học sinh. Công tác tiêm chủng đã diễn ra an toàn.

Theo các chuyên gia, để chuẩn bị tốt tâm lý cho trẻ, trước ngày đi tiêm vaccine, cha mẹ hãy nói chuyện với con về lợi ích của tiêm ngừa. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước. Tuân thủ 5K để bảo đảm không bị lây nhiễm Covid-19 tại nơi tiêm.

Ngay sau tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm ngừa. Sau đó về nhà, cha mẹ phải tiếp tục theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp như đau, mẩn đỏ, sưng tấy, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.

Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 hoặc 2 ngày kể từ khi tiêm vaccine. Đó là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang tạo hàng rào bảo vệ và sẽ biến mất trong vòng vài ngày.

Trường hợp trẻ bị sốt ngay sau tiêm, từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ có thể cho con uống hạ sốt theo chỉ dẫn của dược sĩ, bác sĩ. Ngoài ra, phụ huynh có thể cho con dùng thêm Oresol và chườm ấm.

Trong thời gian theo dõi tại nhà, đặc biệt trong 7 ngày đầu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây cần liên hệ với cơ sở y tế: Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt, tê quanh môi hoặc lưỡi; có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái, có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Trẻ có thể bị đau đầu kéo dài, dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật, đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất. Có thể thấy da trẻ phát ban hoặc xuất huyết dưới da. Triệu chứng về tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy cũng cần lưu ý. 

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top