Giáo dụcKhoa học

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng

15:21 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 3064 In bài viết
Nên gọi thực chất hơn về nông nghiệp có yếu tố công nghệ cao, đó là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng, tức là từng địa phương tận dụng đặc thù, thế mạnh của mình để phát triển.

Đây là một số vấn đề được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với Bộ NN&PTNT về tình hình triển khai thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0) ngày 10/10.

 

Lâm Đồng tận dung lợi thế địa phương để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đồng chủ trì buổi làm việc.

Từng bước áp dụng công nghệ hiện đại

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều biện pháp tích cực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể, về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ nuôi cấy tế bào đã được ứng dụng rộng rãi để cung cấp cây giống sạch bệnh, giá thành rẻ cho sản xuất giống trên nhiều đối tượng cây trồng nông lâm nghiệp (rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lâm nghiệp). Công nghệ gene đã được ứng dụng trong nghiên cứu cải tiến các giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao với sâu bệnh hại, điều kiện môi trường bất thuận…

Bộ NN&PTNT đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 để làm chủ công nghệ sản xuất. Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp kết hợp công nghệ thông tin đã được ứng dụng tại các mô hình canh tác rau, củ, quả, hoa có giá trị kinh tế cao. Một số doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất giống (lợn, gà) và chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp (lợn, bò sữa, gà), trong sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng rộng rãi như: Quản lý, vận hành quy trình sản xuất nông lâm thủy sản tại một số doanh nghiệp; dự báo ngư trường, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho tàu cá hoạt động trên biển; quản lý dữ liệu, trao đổi thông tin về bảo vệ thực vật để kết nối 669 huyện của 63 tỉnh, thành phố với các trung tâm bảo vệ thực vật của vùng. Ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra khảo sát và đánh giá kiểm kê rừng, độ che phủ rừng.

Bộ NN&PTNT cũng đã tham gia hệ thống tiếp nhận, trả kết quả đối với các thủ tục hành chính thực hiện trên internet (cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU qua hệ thống TRACES của EU, cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang các thị trường qua hệ thống một cửa quốc gia…). Bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập cơ sở dữ liệu điện tử, chỉ dẫn địa lý phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; trong xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao và bền vững. Tuy nhiên, ông Lê Quốc Doanh cũng cho rằng: “Cơ hội đi đôi với thách thức, phải thẳng thắn rằng, hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ đối với ngành nông nghiệp chưa đồng bộ, quy mô đồng ruộng manh mún; kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Đó là chưa kể đến các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp còn rất hạn chế".

Chia sẻ với những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương chỉ ra một thực tế, hiện nay người dân thực sự chưa hiểu hết thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch…

Một số ý kiến cho rằng, nên gọi thực chất hơn về nông nghiệp có yếu tố công nghệ cao, đó là nông nghiệp công nghệ cao thích ứng. Ông Phạm Đại Dương nêu ví dụ về phát triển nông nghiệp ở Lâm Đồng. Với lợi thế khí hậu, Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo cách riêng, không cần quá cầu kỳ nhà kính hiên đại, họ chỉ cần bạt nylon phủ song vẫn rất phát triển tốt. Đa số công nghệ tự thân của tỉnh được tận dụng tối đa tại địa phương này. Đây là mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáng để học hỏi.

Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra kiến nghị đề xuất với Bộ KH&CN. Cụ thể: Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có khả năng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ; thúc đẩy phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chế biến sâu phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực chuyên môn về sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp với đầy đủ kỹ năng trong sử dụng, vận hành các thiết bị tự động, thiết bị số. Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị cần liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ và người sản xuất nông nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó cần đưa ra danh mục những công việc phải ưu tiên triển khai ngay để tránh dàn trải.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top