Giáo dụcKhoa học

Chọn lọc thông tin trong kỷ nguyên số

08:47 - Thứ Tư, 27/03/2019 Lượt xem: 6045 In bài viết

ĐBP - Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc cập nhật, tiếp nhận, chia sẻ các hiện tượng, sự việc là hết sức dễ dàng. Tuy nhiên, để hiểu rõ bản chất của vấn đề, đưa ra bình luận, chia sẻ mang tính xây dựng thì không phải ai cũng làm đúng.

Ðiều rõ ràng nhất, phổ biến nhất là ứng xử của dư luận trên mạng xã hội, điển hình là facebook - trang mạng xã hội phổ biến toàn cầu, riêng nước ta có trên 40 triệu tài khoản. Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội này mang lại. Bởi đây là nơi giao lưu, chia sẻ của bạn bè, người thân; là công cụ hữu hiệu trong truyền tải thông tin; tính giải trí hấp dẫn cho mỗi người… Tuy nhiên, mặt trái của facebook cũng ngày càng hiện hữu khi bị lạm dụng. Xét về tính vĩ mô, facebook vốn mang tính mở, lại có sự tương tác cao trong hệ thống viễn thông toàn cầu nên vấn đề bảo mật thông tin không được đảm bảo. Ðơn cử trường hợp dễ nhận thấy là chỉ cần chúng ta truy cập vào 1 trang web bán hàng nào đó bằng trình duyệt phổ biến như: Chrome, Cốc Cốc (do Google phát triển) hoặc Internet Explorer của hãng Microsoft, dù những công ty này không liên quan, thậm chí cạnh tranh với công ty chủ quản mạng facebook nhưng khi truy cập vào mạng xã hội này, lập tức có hàng loạt page (trang) quảng cáo về những mặt hàng chúng ta vừa xem trên web. Ðiều này đặt ra vấn đề: Phải chăng người dùng facebook đang bị theo dõi?! Hay khi bật tính năng “Bạn bè quanh đây”, khả năng định vị từ điện thoại di động được kích hoạt, từng đường đi, nước bước của cá nhân đều được chia sẻ một cách chính xác đến từng mét vuông (tính năng này rất phổ biến nhưng không phải ai cũng biết là đã được kích hoạt).

Trong khi đó, với tính phổ biến rộng lớn, người dùng thuộc đủ thành phần xã hội, mọi “hỷ, nộ, ái, ố” đều được thể hiện, thậm chí đến cả chuyện… vệ sinh cá nhân cũng được một số người đưa lên facebook mà không lường trước hậu quả. Không nói đâu xa, ngay tại Ðiện Biên chúng ta, đầu năm 2019, một trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử lý khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên facebook. Ðặc biệt, trong vụ trọng án liên quan đến nữ sinh bị sát hại khi đi giao gà chiều 30 Tết Kỷ Hợi, đội ngũ “anh hùng bàn phím” hùng hậu trên mạng xã hội thậm chí còn muốn làm thay cơ quan điều tra, với hàng nghìn võ đoán làm nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm thủ phạm. Không chỉ có vậy, sau khi Ban Chuyên án công bố thủ phạm, một số tài khoản facebook đã cố ý phủ nhận, xuyên tạc thành tích, gây mất uy tín cho ngành Công an, cùng với đó là hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận thiếu trách nhiệm, mang tính vào hùa, “hội chứng đám đông” của cộng đồng mạng. Ðây thực sự là vấn đề nghiêm trọng trong cách ứng xử, lựa chọn thông tin của người dùng mạng xã hội hiện nay.

Những vấn đề trên không có nghĩa là chúng ta phải cổ súy cho phong trào bài trừ mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng. Mà điều quan trọng là sử dụng hợp lý, là một người “tiêu dùng thông minh”, bởi mỗi chủ tài khoản cũng là một khách hàng của mạng xã hội; sử dụng mang tính giải trí là chính chứ không “sống” trên mạng. Bất cứ sự phụ thuộc, thiếu chủ động nào cũng có thể mang đến hậu quả khi mạng là “ảo” nhưng hệ lụy là “thật”. Còn với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh ta, thiết nghĩ đã đến lúc cần nghiêm túc quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức về việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội sao cho đúng định hướng, quy định của pháp luật. Ðồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa biên giới, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nguyệt Lãm
Bình luận
Back To Top