Giáo dụcKhoa học

Đề xuất của Việt Nam trước nạn buôn bán thú cưng độc lạ được thông qua tại CITES COP 18

09:17 - Thứ Tư, 28/08/2019 Lượt xem: 5553 In bài viết

Ngày 27-8, tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổ chức Quốc tế Đối xử nhân đạo với động vật (HSI) chúc mừng các đề xuất của Việt Nam đã được thông qua tại CITES COP 18 nhằm tăng cường bảo vệ các loài rùa, thạch sùng mí, cá cóc sần quý hiếm trước nạn buôn bán quốc tế thú cưng độc lạ.

Cá cóc Tam Đảo đã được tăng mức bảo vệ sau đề xuất của Việt Nam lên CITES COP 18.

Việt Nam đã đạt được thắng lợi cho cả sáu đề xuất mà Việt Nam và các nước đã trình lên Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) nguy cấp (CITES) lần thứ 18.

Tất cả đề xuất đề nghị đưa ba loài rùa từ Phụ lục II lên Phụ lục I: rùa hộp Việt Nam (tên khoa học là Coura picturata), rùa Trung Bộ (tên khoa học là Mauremys annamensis), và rùa hộp bua-rê (tên khác là rùa hộp trán vàng) (tên khoa học là Coura bourreti) đều nhận được đồng thuận cao từ tất cả các nước thành viên. Tất cả ba loài này đều nằm trong nhóm Cực kỳ nguy cấp trong danh lục đỏ của IUCN. Hai loài đầu là loài đặc hữu chỉ phân bố tại Việt Nam. Mối đe dọa chính đến cả ba loài này là nạn săn bắt trộm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường buôn bán quốc tế các loài thú cưng độc lạ, hoặc có nhu cầu làm thực phẩm, và mất môi trường sống.

13 loài thạch sùng mí thuộc giống Goniurosaura, phân bố chủ yếu tại Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có ba loài đặc hữu tại Việt Nam là thạch sùng mí Cát Bà (tên khoa học là Goniurosaura catbanensis), thạch sùng mí Hữu liên (tên khoa học là Goniurosaura huulienensis) và thạch sùng mí lichtenfer (tên khoa học là Goniurosaura lichtenfelderi) đều được các nước thành viên đồng thuận đưa vào Phụ lục II của công ước. Quần thể thạch sùng mí đặc hữu tại Nhật Bản không nằm trong phụ lục này. Theo Danh lục đỏ của IUCN, 13 loài này này đều nằm ở các nhóm cực kỳ nguy cấp hoặc nguy cấp (ba loài) hoặc sắp nguy cấp (hai loài).

13 loài cá cóc châu Á giống Paramesotriton phân bố chủ yếu tại Việt Nam và Trung Quốc bao gồm một loài cá cóc nổi tiếng tìm thấy lần đầu tại vườn quốc gia Tam Đảo - Cá cóc Tam đảo (tên khoa học là Paramesotriton deloustali) cũng đã đạt được sự ủng hộ tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và đã có tên trong phụ lục II.

Tại Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 18.

25 loài cá cóc sần cũng đã được bổ sung vào phụ lục II. Những loài này phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và Trung Quốc, trong đó có một loài cá cóc sần (tên khoa học là Tylototriton vietnamensis) là loài đặc hữu tại Việt Nam. Mối đe dọa chính đối với cá cóc sần là do nạn săn bắt quá mức. Nhu cầu thị trường tăng cao tại các nước thuộc liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người tham gia vào việc bắt các loài này khỏi môi trường tự nhiên để kiếm lời.

Bà Nguyễn Thị Mai, Quản lý chương trình bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam cho biết: “Công tác trong lĩnh vực bảo tồn, điều làm tôi buồn nhất là chứng kiến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt nam và hiện nay nhiều loài như hổ và voi cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chính phủ Việt Nam nên có những hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ các quần thể loài hoang dã còn lại. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ các loài bò sát và lưỡng cư này trước áp lực săn bắt nhằm đáp ứng thị trường thú cưng độc, lạ hoặc/và làm thức ăn. Sự thành công này sẽ tạo ra động lực tốt để các cơ quan thực thi tăng cường đấu tranh với nạn buôn bán các loài ĐVHD. Vì vậy, chúng tôi vui mừng khi những loài này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của CITES để giúp Việt Nam tăng cường bảo vệ chúng khỏi nạn khai thác quá mức”

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam phát biểu: “Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của các nước thành viên, đã có những quyết định đúng đắn góp phần giúp Việt Nam trong bảo vệ các loài bò sát, lưỡng cư, đặc biệt các loài đặc hữu nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài này trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp phối hợp, ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát buôn bán quốc tế các mẫu vật động, thực vật hoang dã nguy cấp khác theo quy định của CITES.”

CITES COP 18 khai mạc từ ngày 17-8 và sẽ kết thúc vào ngày hôm nay, 28-8.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top