Giáo dụcKhoa học

Phát huy mạnh mẽ trí tuệ Việt Nam toàn cầu

15:14 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 9555 In bài viết

Với sự tham gia của 236 đại biểu đang lao động, nghiên cứu, học tập trong và ngoài nước, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II một lần nữa cho thấy nguồn năng lượng mạnh mẽ, tích cực cùng tính kết nối chặt chẽ những nhân tài trẻ của đất nước trên khắp năm châu.

Các thành viên Ban tổ chức và đại biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II. Ảnh: Lâm Hải

Những sáng kiến và dự án thiết thực

Ra đời vào năm 2017 với vai trò là một dự án phi lợi nhuận nhằm kết nối các chuyên gia người Việt Nam đang công tác tại Hoa Kỳ để trao đổi kinh nghiệm, thông tin, cùng phát triển bản thân và sự nghiệp, đến nay, Mạng lưới chuyên gia Việt (VNPN) đã có tổng cộng gần 2.000 thành viên chính thức, công tác ở hơn 660 ngành nghề, lĩnh vực. VNPN hoạt động dựa trên nguyên tắc kết nối giữa bên có và bên đang tìm kiếm thông tin việc làm thông qua trang thông tin chính thức www.vnpn.com. Bên có thông tin là những chuyên gia người Việt Nam đang làm việc tại Hoa Kỳ. Bên tìm kiếm thông tin tại VNPN sẽ được hỗ trợ đánh giá năng lực ứng tuyển trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển thông qua nhiều hoạt động như định hướng ngành nghề, xây dựng chiến lược tìm việc, hiệu đính hồ sơ, luyện tập phỏng vấn... theo dạng chia sẻ kinh nghiệm “một thầy một trò”, đại diện VNPN Nguyễn Đức Tài cho biết.

Từ VNPN, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao cũng dễ dàng tìm kiếm được những chuyên gia người Việt Nam xuất sắc, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Hoa Kỳ và quan trọng hơn cả là mong muốn trở về Việt Nam làm việc. Những thành công của VNPN mà nổi bật nhất là 30% tỷ lệ “học trò” được mời thực tập, làm việc toàn thời gian tại các doanh nghiệp đã được các đại biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II tích cực hưởng ứng bởi những giá trị thiết thực cùng tính khả thi cao.

Một trong những chương trình khác được đánh giá cao tại Diễn đàn là Summer Academic Research Experience - SARE (tạm dịch: Nghiên cứu về vấn đề học hè) của tác giả Nguyễn Thị Sao Ly (Trường đại học Dược Johns Hopkins, Hoa Kỳ). Với mong muốn cải thiện và kích thích tiềm năng của những học sinh yếu kém, SARE tập trung thực nghiệm các nghiên cứu khoa học hiện đại để khuyến khích tinh thần ham học và nâng cao vai trò của học sinh, sinh viên trên ghế giảng đường. Theo đại biểu Nguyễn Thị Sao Ly, SARE đã được triển khai ở thành phố Ban-ti-mo (Hoa Kỳ) trong mười năm, giúp nâng tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học tại đây lên lần lượt 93% và 80%. “Ban-ti-mo có những điểm tương đồng với nhiều địa phương đất nước ta, nhất là về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và được học đại học. SARE tập trung nâng cao các tỷ lệ này bằng nhiều biện pháp như đưa học sinh yếu kém tiếp cận môi trường học tập mạnh mẽ, hiệu quả, chuyên nghiệp; thúc đẩy sự tự tin thông qua kết quả học tập khởi sắc...” - đại biểu Sao Ly cho biết.

Diễn đàn với nhiều nét mới

Trên đây chỉ là hai trong số hơn 40 tham luận mang theo những ý tưởng, mô hình, dự án thiết thực được các trí thức trẻ trình bày tại Diễn đàn. Theo thống kê của Ban tổ chức, cùng với các tham luận, đã có tổng cộng hơn 200 ý kiến phát biểu, góp ý trong khuôn khổ Diễn đàn. Qua đây, Ban tổ chức đã tổng hợp được 79 đề xuất, khuyến nghị chính để tham mưu với các cơ quan nhà nước xem xét tiếp tục phát triển, áp dụng vào thực tiễn.

So sánh với Diễn đàn lần thứ I, diễn ra tại TP Đà Nẵng vào năm 2018, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm mới đáng chú ý là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của Diễn đàn năm nay. Đó là việc Ban tổ chức đã kết nối các đại biểu thông qua mạng xã hội từ khoảng một tháng trước khi Diễn đàn chính thức khai mạc. Những hoạt động bên lề Diễn đàn cũng được triển khai bài bản hơn, mang lại những kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc tập thể cần thiết. Đại diện Ban tổ chức cho rằng, các hoạt động giao lưu, hành trình văn hóa, trở về cội nguồn dân tộc có mục đích giúp các đại biểu giảm sự khách sáo, e ngại, tập trung vào đóng góp trí tuệ, kiến thức cho Diễn đàn. Đồng thời, giúp họ thấy rằng, kiến thức chuyên môn cần phải được chuyển hóa thành những việc làm thiết thực để phục vụ Tổ quốc. “Ngoài ra, ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia Diễn đàn, bên cạnh các vấn đề chuyên môn, chúng tôi còn luôn kiểm nghiệm sự tâm huyết, nhiệt thành, tình yêu đất nước, khát vọng cống hiến cho quê nhà của các ứng viên” - PGS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổng Thư ký Diễn đàn cho biết.

Tại phiên bế mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chia sẻ: “Tôi thật sự cảm động khi nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu về khát khao được đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển quê hương. Đoàn, Hội luôn coi công tác thu hút, đoàn kết, tập hợp lực lượng trí thức trẻ Việt Nam là trách nhiệm, mong muốn. Qua đây, tạo không gian, cơ hội, đồng hành cùng nhân tài trẻ Việt Nam trên toàn cầu phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng, đưa hình ảnh, trí tuệ Việt Nam ngày càng đón nhận thêm sự tin cậy, đánh giá cao của bạn bè khu vực cũng như thế giới”. Cũng theo đồng chí Lê Quốc Phong, tất cả các đề xuất, khuyến nghị của 236 đại biểu Diễn đàn sẽ được Ban tổ chức tập hợp, báo cáo đầy đủ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top