Giáo dụcKhoa học

NASA trì hoãn nhiều kế hoạch, nhưng vẫn đưa người lên trạm vũ trụ

10:30 - Thứ Hai, 23/03/2020 Lượt xem: 7517 In bài viết

Sau khi một nhân viên tại Trung tâm nghiên cứu Ames ở California dương tính với Covid-19, văn phòng NASA trên khắp nước Mỹ đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Nhưng trong đại dịch, nhiều kế hoạch của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ vẫn không thể hủy bỏ. Ngày 9-4 tới, phi hành đoàn ba người vẫn sẽ được phóng lên Trạm vũ trụ quốc tế.

Ba phi hành gia Chris Cassidy của NASA (trái) và Anatoly Ivanishin (giữa) và Ivan Vagner của Roscosmos (phải) sẽ được phóng lên Trạm vũ trụ ngày 9-4 tới. Ảnh: NASA.

NASA vẫn thực hiện nhiệm vụ đưa người lên Trạm vũ trụ

Trong thông cáo báo chí ngày 21-3, NASA cho biết, tất cả các công việc liên quan đến hỗ trợ các hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế vẫn tiếp tục.

Ngày 9-4 tới, phi hành đoàn gồm phi hành gia NASA Chris Cassidy và hai nhà du hành vũ trụ người Nga sẽ được phóng lên trạm vũ trụ. NASA và các đối tác quốc tế và thương mại luôn thực hiện các bước để ngăn phi hành đoàn mang các căn bệnh như cảm lạnh hoặc cúm lên Trạm vũ trụ quốc tế. Như với tất cả các lần phóng phi hành đoàn, phi hành đoàn lần này phải ở lại cách ly trong hai tuần trước khi họ ra mắt. Quá trình này bảo đảm rằng họ không bị bệnh hoặc ủ bệnh khi đến Trạm vũ trụ và ổn định sức khỏe.

Còn những người điều khiển chuyến bay đang làm việc trong Trung tâm điều khiển nhiệm vụ tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston và được bảo vệ một cách nghiêm ngặt từ đầu tháng 3 để giảm nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh.

Bà Courtney Beasley, chuyên gia truyền thông của Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA cho biết: “Sức khỏe của phi hành đoàn luôn là tối quan trọng. Trước khi kiểm dịch, các phi hành gia đang tuân theo các khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) liên quan đến virus corona.

NASA và Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos hiện đang lên kế hoạch duy trì thời gian cách ly tiêu chuẩn trong hai tuần cho phi hành đoàn, bà Beasley nói.

Trong quá trình kiểm dịch, các phi hành gia sống trong khu vực phi hành đoàn. Cụ thể, phi hành gia của NASA sống tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy và Johnson, còn Roscosmos ở Baikonur. Họ không liên lạc trực tiếp với bất kỳ ai nếu chưa được các bác sĩ của NASA tẩy trùng. Thời gian của họ dành cho việc chuẩn bị cho chuyến bay, học tập và nghỉ ngơi, cũng như làm việc và thực hiện các cuộc gọi video cho bạn bè và các thành viên gia đình.

Đưa hai phi hành gia từ Trạm vũ trụ trở về

Sau khi đưa phi hành đoàn mới lên, ngày 17-4, tàu vũ trụ sẽ đón các phi hành gia của NASA gồm Jessica Meir và Andrew Morgan trở về sau thời gian ở trên Trạm vũ trụ quốc tế. Meir đã ở Trạm vũ trụ sáu tháng, còn Morgan chín tháng. Thời điểm họ đi thì virus corona chưa phải là một mối đe dọa, nhưng khi họ trở về thì nó đã là một đại dịch.

NASA đã chuẩn bị một quy trình để kiểm tra sức khỏe các phi hành gia sau khi hạ cánh. Các bác sĩ và các đơn vị khác của NASA sẽ giúp các phi hành gia làm quen lại lực hấp dẫn của trái đất, giúp họ đứng dậy và đi bộ ngay sau khi hạ cánh. Trong những tuần sau đó, họ được theo dõi để bảo đảm sức khỏe.

Lần trở về này của họ, các quy trình kiểm tra sẽ chặt chẽ hơn. NASA sẽ tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị của CDC về kiểm soát bệnh dịch khi Andrew Morgan và Jessica Meir trở về trái đất. "Điều này bao gồm làm sạch bề mặt, cách ly với xã hội, thường xuyên vệ sinh tay, khuyến khích các thành viên NASA bị nhiễm bệnh ở nhà và hạn chế tiếp xúc với các thành viên phi hành đoàn”, bà Courtney Beasley nói.

Các phi hành gia chưa từng bị cảm lạnh trong không gian, nhưng họ trải qua chứng say tàu xe trong không gian xảy ra trong 48 giờ đầu tiên khi không có trọng lực, tạo ra cảm giác ăn mất ngon miệng, chóng mặt và buồn nôn.

Tạm dừng một số kế hoạch nhưng không từ bỏ

Nhiều người tại văn phòng NASA trên khắp nước Mỹ đang làm việc tại nhà, đặc biệt là sau khi một nhân viên tại Trung tâm nghiên cứu Ames ở California thử nghiệm dương tính với Covid-19 này.

Ngày 20-3, quản trị viên NASA Jim Bridenstine đã thông báo rằng, cơ sở lắp ráp Michoud tại Louisiana và Trung tâm vũ trụ Stennis ở Mississippi đang bắt buộc chuyển sang làm việc từ xa.

NASA phải dừng sản xuất và thử nghiệm Hệ thống phóng không gian và tên lửa Orion mà theo kế hoạch sẽ được sử dụng trong nhiệm vụ đưa phi hành gia quay trở lại mặt trăng vào năm 2024. NASA yêu cầu các nhân viên tránh tiếp xúc xã hội không cần thiết và làm việc tại nhà. Tuy nhiên, việc xây dựng và thử nghiệm tên lửa cần có chuyên gia làm việc trực tiếp tại các trung tâm điều hành và cơ sở sản xuất.

NASA ngừng công việc tích hợp và thử nghiệm trên Kính viễn vọng Không gian James Webb.

NASA cũng đã đình chỉ công việc chế tạo Kính viễn vọng Không gian James Webb vì cần nhân sự làm việc trực tiếp. Đây là kính viễn vọng không gian dự kiến phóng lên vũ trụ vào ngày 30-3-2021

“Điều này sẽ có tác động đến các nhiệm vụ của NASA. Nhưng khi phân tích bức tranh đầy đủ và để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi hiểu rằng ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và sự an toàn của lực lượng lao động của NASA", Bridenstine nói.

Quản trị viên NASA Jim Bridenstine thừa nhận rằng virus corona "sẽ tiếp tục kiểm tra khả năng linh hoạt của NASA nhưng chúng tôi sẽ không để bị phá vỡ".

“NASA đã hoàn thành rất nhiều chiến công đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã từng đưa người lên mặt trăng, bảy lần đưa tàu thám hiểm hạ cánh trên sao Hỏa, đưa hàng trăm phi hành đoàn và robot vào không gian, duy trì sự hiện diện của con người trên phòng thí nghiệm cách trái đất 250 dặm trong gần 20 năm qua... Đó là những điều trước đây được cho là không thể”, ông Jim Bridenstine nói.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top