Giáo dụcKhoa học

Huy động 8,2 tỷ USD để nghiên cứu vaccine ngừa SARS-CoV-2

15:52 - Thứ Ba, 05/05/2020 Lượt xem: 14469 In bài viết

Các nhà lãnh đạo thế giới, tối 4/5 (giờ Việt Nam), đã tổ chức một hội nghị tài trợ quốc tế trực tuyến để huy động ít nhất 7,5 tỷ euro (8,2 tỷ USD) cho việc nghiên cứu vaccine và các biện pháp điều trị COVID-19.

Ảnh minh họa.

Sự kiện do Liên minh châu Âu (EU), các nước nằm ngoài EU là Anh và Na Uy, cùng với Nhật Bản, Canada và Saudi Arabia đồng tổ chức.

Các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu huy động nguồn tiền trong vài tuần hoặc vài tháng tới dựa trên những nỗ lực của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Melinda Gates và các cá nhân giàu có.

Saudi Arabia, nước hiện là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã cam kết tài trợ số tiền 500 triệu USD.

Tuy nhiên, 7,5 tỷ euro là con số ban đầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho rằng các nước sẽ ngày càng cần nhiều tiền hơn.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, công ty công nghệ sinh học Takis của Italy thông báo đã thử nghiệm thành công trên chuột kháng thể chống virus SARS-CoV-2 từ vaccine do hãng này nghiên cứu.

Giám đốc điều hành Takis, ông Luigi Aurisicchio, cho biết: “Sau khi được tiêm, những con chuột đã phát triển các kháng thể để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể”.

Kết quả xét nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm virus học của Viện Spallanzani và các nhà nghiên cứu đã chọn 2 trong 5 loại vaccine có kết quả tốt nhất do Takis điều chế.

Các chuyên gia của Takis cho biết cho đến nay, đây là kết quả tích cực nhất trong thử nghiệm vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 do Italy điều chế.

Dự kiến, các thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành sau mùa hè.

Ông Aurisicchio khẳng định lần đầu tiên trên thế giới, một vaccine chống virus SARS-CoV-2 đã trung hòa virus trong tế bào người và bước tiếp theo sẽ xem phản ứng miễn dịch kéo dài bao lâu.

Cũng trong ngày 4/5, hàng trăm nhân viên y tế ở Nam Phi đã tham gia cuộc thử nghiệm vaccine BCG phòng bệnh lao để xác định xem loại vaccine được thế giới sử dụng trong 100 năm qua có hiệu quả trong phòng chống virus SARS-CoV-2 hay không.

Các cuộc thử nghiệm được tiến hành đối với 250 nhân viên y tế tại Bệnh viện Tygerberg ở thành phố Cape Town, trong khi 250 nhân viên y tế khác sử dụng một loại giả dược.

Dự kiến, sẽ có tới 3.000 nhân viên y tế ở Cape Town tham gia thử nghiệm này. Những người tham gia thử nghiệm sẽ được theo dõi y tế trong thời gian ít nhất là một năm.

Theo Giáo sư Andreas Diacon của tổ chức nghiên cứu y tế TASK, có những dấu hiệu cho thấy vaccine BCG tác động đến hệ miễn dịch, giúp hệ miễn dịch phản ứng tốt hơn với sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh hô hấp.

Ông nêu rõ trẻ em được tiêm vaccine này có xu hướng ít bị mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh hen suyễn. Hiện, các cuộc thử nghiệm tương tự đang được tiến hành ở Hà Lan, Australia và Pháp.

Chuyên gia Đức: Hơn 20% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng

Kết quả một công trình nghiên cứu công bố ngày 4/5 cho thấy hơn 20% số trường hợp mắc COVID-19 tại Đức không xuất hiện các triệu chứng.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bonn đã tiến hành phỏng vấn và xét nghiệm đối với 919 người trong 405 gia đình ở khu vực Gangelt, một trong những ổ dịch lớn nhất nước Đức.

Kết quả các xét nghiệm cho thấy 15% số người dân ở Gangelt đã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 với tỷ lệ tử vong là 0,37%.

Ở quy mô toàn quốc, các chuyên gia ước tính 1,8 triệu người trên khắp nước Đức có thể đã nhiễm virus nguy hiểm này, cao hơn gấp 10 lần so với con số thống kê.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng cho thấy 22% số bệnh nhân mắc COVID-19 không xuất hiện các triệu chứng.

Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì giãn cách xã hội cũng như thường xuyên rửa tay để tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan rộng. 

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top