Giáo dụcKhoa học

Hướng phát triển kháng thể chống COVID-19

09:22 - Thứ Ba, 27/10/2020 Lượt xem: 17666 In bài viết

Việc tiêm kháng thể có thể giúp người mắc COVID-19 thể nhẹ tránh bị biến chứng nặng, nhưng các liệu pháp đều tốn kém và khó thực hiện.

Ảnh minh họa.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc COVID-19, các bác sĩ của ông đã sử dụng một loạt các loại thuốc, trong đó một số đã được chứng minh hiệu quả, số khác là thử nghiệm. Tuy nhiên, có một thứ mà ngài Tổng thống ca ngợi như là một “phương thuốc chữa bệnh”: Một loại dung dịch hỗn hợp chứa kháng thể của virus Corona được sản xuất bởi Công ty dược Regeneron ở Tarrytown, New York.

Khả năng chữa bệnh của kháng thể này vẫn chưa được chứng minh. Tuy liệu pháp này có vẻ hứa hẹn trong các nghiên cứu ban đầu đối với những người mắc COVID-19 thể nhẹ nhưng các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn vẫn chưa được thực hiện. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các phương pháp điều trị kháng thể tiên tiến hơn với chi phí thấp hơn, dễ sản xuất và hiệu quả cao hơn.

Kháng thể là thành phần quan trọng của phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với SARS-CoV-2 và các nhà nghiên cứu đã và đang chạy đua để phát triển các liệu pháp kháng thể có thể khai thác khả năng liên kết trực tiếp với các protein của virus và ngăn chặn virus tái tạo. Một cách để làm việc này là sử dụng huyết tương từ những người đã khỏi COVID-19 để chuyển kháng thể mà họ tạo ra cho người khác. Còn phương pháp khác là sản xuất và sản xuất hàng loạt các kháng thể đặc hiệu chống lại virus mà có thể bổ sung cho phản ứng miễn dịch của cơ thể. Cách làm này đã được chứng minh là thành công trong việc chữa các loại bệnh khác. Vào ngày 14/10 vừa qua, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một loại dung dịch hỗn hợp chứa 3 kháng thể cụ thể, cũng do Regemeron sản xuất, để điều trị bệnh do virus Ebola gây ra, sau khi nó được chứng minh là giúp làm giảm các ca tử vong ở Congo.

Những thành công ban đầu

Các hãng dược Regeneron và Eli Lilly ở bang Indiana là những công ty hiện đang dẫn đầu cuộc đua trong việc phát triển các phương pháp điều trị kháng thể chống lại COVID-19. Mỗi công ty đều đang thử nghiệm các kháng thể độc quyền của riêng mình và đã nộp đơn xin cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp lên FDA sau thành công của những thử nghiệm ban đầu.

Hy vọng chính là các liệu pháp kháng thể có thể ngăn người mắc COVID-19 thể nhẹ bị biến chứng nặng.

Có ít nhất 10 loại kháng thể COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng; nhiều loại khác đang trong quá trình phát triển.

“Các kháng thể này có thể liên kết tốt với protein của SARS-CoV-2, nhiều kháng thể thậm chí còn có thể mang lại những lợi ích khác cho người mắc COVID-19”, ông Zhiaqiang An, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Texas cho biết, “Có thể có sự khác biệt về mức độ, nhưng hầu hết các kháng thể này đều có hiệu quả ở một khía cạnh nào đó”.

Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách để giảm thiểu khả năng virus kháng lại các kháng thể này. Khi chỉ sử dụng một loại kháng thể, virus có thể phát triển các đột biến, cho phép nó trốn tránh được kháng thể.

Tuy nhiên, kháng thể thường đắt và khó sản xuất, trong khi chúng phải được sử dụng với liều lượng tương đối cao.

Nhà virus học Gerald Mclnerney thuộc Viện Karolinska ở Thụy Điển cùng cộng sự đang nghiên cứu để phát triển các kháng thể có kích thước phân tử sinh học được gọi là nanobody, dựa trên một loại kháng thể được sản xuất tự nhiên bởi loài lạc đà, bao gồm lạc đà không bướu và lạc đà alpacas. Các kháng thể nanobody này dễ chế tạo hơn và thường được sản xuất trong các tế bào vi khuẩn có chi phí phát triển và duy trì rẻ hơn nhiều. Năm ngoái, FDA đã phê duyệt liệu pháp nanobody đầu tiên, có tên là caplacizumab, một phương pháp điều trị bệnh đông máu hiếm gặp.

Nhà vật lý sinh học Raymond Owens tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh cho biết: “Chúng ta còn cả một chặng đường dài mới có thể chuyển những vật thể nano như vậy vào phòng khám. “Nhưng tôi lạc quan một cách thận trọng”, ông nói.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top