Giáo dụcKhoa học

Động lực cho sáng tạo

08:35 - Thứ Năm, 26/08/2021 Lượt xem: 27962 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện cho học sinh, sinh viên có thể biến các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm thực tế còn hạn chế. Bởi vậy mà Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích, tiếp thêm động lực để cho học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học…

Ban Giám khảo đánh giá các sản phẩm tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2021.

Sân chơi cho những nhà sáng tạo trẻ

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 2 cuộc thi sáng tạo dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng là Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức và một cuộc thi sáng tạo của riêng ngành Giáo dục và Đào tạo. Cả 2 cuộc thi không khác nhau nhiều về mục đích tổ chức, đều mong muốn tạo nên sân chơi bổ ích cho các nhà sáng tạo trẻ trong toàn tỉnh thỏa mãn đam mê của mình. Ông Nguyễn Song Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho biết: Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã qua 5 lần tổ chức và qua mỗi lần như vậy đều nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Ngay như trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ V, năm 2021 vừa tổ chức mới đây, sau vòng sơ loại tại các huyện, thị, thành phố, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 83 sản phẩm dự thi thuộc 5 lĩnh vực, bao gồm: 17 sản phẩm đồ dùng học tập; 3 sản phẩm phần mềm tin học; 25 sản phẩm thân thiện môi trường; 20 sản phẩm dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; 18 sản phẩm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Theo đánh giá, những mô hình, sản phẩm đã thực sự có sức sống, phản ánh sự phát triển của khoa học kỹ thuật tỉnh nhà. Nhiều sản phẩm mô hình có tính thời sự cao liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Như sản phẩm “Cổng tự động phân luồng hỗ trợ phòng, chống Covid-19” của nhóm tác giả thuộc Trường THCS Thanh An, huyện Điện Biên với ý tưởng chế tạo một cổng tích hợp đo thân nhiệt, nhắc nhở, phát hiện người chưa đeo khẩu trang và nếu phát hiện người đi qua có thân nhiệt trên 37,5 độ C sẽ yêu cầu phân luồng tự động. Sản phẩm sử dụng các nguyên liệu gần gũi, dễ tìm với chi phí thấp. Nhiều mô hình sản phẩm khác lại có giá trị kinh tế - xã hội có khả năng ứng dụng rộng rãi trong học tập và đời sống. Tiêu biểu như sản phẩm Thiết bị báo ngã thông minh cho người già của tác giả Lò Xuân Duy, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Mươn, huyện Mường Chà giúp cảnh báo khi người già bị ngã hoặc gặp nguy hiểm và giúp gọi tới 6 số điện thoại khác nhau… Nhìn chung, các tác giả đã đưa ra những giải pháp tương đối khoa học, hợp lý và khá phù hợp với thực tiễn, giải quyết được vấn đề đặt ra với phương châm tiết kiệm, hiệu quả và giảm tác hại đến môi trường, đời sống con người và nhiều ý nghĩa khác. Từ cuộc thi này, Ban Tổ chức đã lựa chọn 6 sản phẩm tiếp tục hoàn thiện để đại diện cho các nhà sáng tạo trẻ tỉnh nhà tiếp tục tham dự cuộc thi ở cấp cao hơn.

Cần thêm nguồn lực hỗ trợ

Qua nhiều năm tổ chức cuộc thi cũng có thể đánh giá rằng phong trào sáng tạo khoa học của thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển rộng khắp. Sân chơi sáng tạo đã lan tỏa và được nhiều địa phương, như: Huyện Mường Chà, huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tủa Chùa, huyện Nậm Pồ… hưởng ứng, quan tâm, tạo điều kiện để thanh, thiếu niên, nhi đồng có điều kiện tham gia. Ông Nguyễn Song Bình chia sẻ: Khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học của thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đã tiếp cận được mặt bằng chung về ý tưởng sáng tạo với các địa phương khác trong cả nước. Bằng chứng là trong các cuộc thi cấp trung ương, tỉnh Điện Biên vẫn luôn có giải ở nhiều hạng mục khác nhau. Số lượng và chất lượng sản phẩm mang về dự thi năm sau đều cao hơn năm trước và có sự rút kinh nghiệm, đánh giá sát với thực tiễn hơn. Tuy vậy, do là tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên việc sáng tạo của các em bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi vậy mà đôi khi “cái khó bó cái khôn”. Các em có ý tưởng hay, độc đáo nhưng việc biến chúng thành sản phẩm thực tế lại khó có thể thực hiện được vì thiếu kinh phí, thiếu các trang thiết bị hỗ trợ. Các sản phẩm dự thi tới thời điểm này hầu hết xuất phát từ sự đam mê của các em. Ngoài ra cũng tranh thủ được sự hướng dẫn, tư vấn của các chuyên gia, thầy cô giáo chế tạo ra các sản phẩm để tham dự cuộc thi ở mức độ cố gắng nhất có thể. Vậy nên đôi khi các sản phẩm dự thi dù có ý tưởng tốt nhưng vẫn chưa được chau chuốt, tinh xảo, thiếu vật tư, thiếu thiết bị phụ trợ…

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã khơi dậy khả năng sáng tạo trong học tập và lao động của nhiều nhà sáng tạo trẻ trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, để phong trào có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có nhiều giải pháp thúc đẩy trong các cấp, ngành. Ông Nguyễn Song Bình chia sẻ: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc thi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để học sinh, thầy cô và các bậc phụ huynh trên địa bàn hiểu rõ. Các cấp, ngành địa phương trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới phong trào thi đua sáng tạo, khơi dậy những tiềm năng sáng tạo trong thanh, thiếu niên nhi đồng cũng như trong người dân. Thực tế cho thấy rằng, nếu đơn vị, địa phương có sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo thì phong trào sáng tạo sẽ có chất lượng hơn. Đồng thời, cần làm tốt việc hướng dẫn hỗ trợ ngay từ cơ sở của các phụ huynh, giáo viên giúp các em phát huy được các ý tưởng sáng tạo. Nhiều em có ý tưởng sáng tạo tốt nhưng không có người hỗ trợ nên ý tưởng mới dừng lại ở mức ý tưởng, chưa thành sản phẩm thực tế. Thêm nữa là vận động đội ngũ trí thức tỉnh nhà quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong thế hệ trẻ, cùng với cộng đồng xã hội khai thác tốt tiềm năng sáng tạo và áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, tạo động lực cho các em nuôi dưỡng đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top