Giáo dụcKhoa học

Đẩy mạnh phổ biến, nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục

08:45 - Thứ Hai, 20/12/2021 Lượt xem: 61486 In bài viết

ĐBP - Thế hệ trẻ đóng vai trò then chốt trong việc đưa nền khoa học và công nghệ (KHCN) nước nhà lên tầm cao mới. Vì vậy việc phổ biến kiến thức KHCN trong các cơ sở giáo dục rất cần thiết. Trong đó, không thể thiếu vai trò tuyên truyền, định hướng của nhà trường và tấm gương nghiên cứu, ứng dụng KHCN của các giảng viên, giáo viên.

Ông Nguyễn Song Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác phổ biến kiến thức KHCN của Liên hiệp Hội. Ảnh: Nuyễn Hiền

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, những năm gần đây hoạt động thông tin KHCN được Ban Giám hiệu trường quan tâm; giao nhiệm vụ cho 2 phòng, đơn vị chuyên môn thường xuyên đưa tin các hoạt động của Nhà trường nói chung và hoạt động về KHCN nói riêng. Trong 3 năm qua, nhà trường đã đưa 48 tin, bài về KHCN, chủ yếu là tuyên truyền về tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao KHCN của tỉnh và các kết quả nghiên cứu khoa học của trường đến viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên. Đồng thời, 3 năm (2019 - 2020), nhà trường có 1 đề tài, 1 dự án KHCN cấp tỉnh, 66 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, 5 để tài KHCN được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, 18 đề tài KHCN cấp trường...

Còn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, TS. Phạm Xuân Cường, Phó phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học cho biết: Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, phục vụ cộng đồng thì nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi giảng viên. Một số đề tài nghiên cứu khoa học của các giảng viên trường đã trở thành tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập hữu ích. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường có những bước chuyển biến rõ rệt, dần từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 5 năm học gần đây, nhà trường đã nghiệm thu 59 đề tài nghiên cứu khoa học và 13 tài liệu biên soạn, trong đó 7/9 tài liệu được đưa vào tài liệu tham khảo trong các đề cương chi tiết học phần; 2 đề tài cấp tỉnh, 1 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc, 783 bài báo khoa học đăng trên tạp chí và kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế... Năm học 2020 - 2021, nhà trường đã khảo sát định hướng hoạt động KHCN với đổi mới đào tạo gắn với thực tế địa phương tới 10 phòng giáo dục và đào tạo toàn tỉnh và 80 cá nhân giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Năm học 2021 - 2022, nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng 2 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh; triển khai ứng dụng 12 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp trường, đưa vào ứng dụng 2 kết quả đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu từ năm học trước vào thi kết thúc học phần. 

Ngoài các trường chuyên nghiệp thì các cấp học, đặc biệt THCS, THPT trên địa bàn tỉnh ta cũng đều tăng cường phổ biến kiến thức KHCN bằng những hoạt động thiết thực, dễ tiếp thu, dễ lan tỏa. Không chỉ thầy cô trở thành những tấm gương nghiên cứu, ứng dụng KHCN mà học sinh cũng sôi nổi không kém. Như tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, hàng năm đều phổ biến, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên và học sinh tích cực tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh trung học; sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng; học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp... Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Vân, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Các cuộc thi về nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức thực tiễn và vận dụng được kiến thức khoa học hàn lâm, giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh trong cuộc sống. Nhiều đề tài nghiên cứu của học sinh nhà trường được đánh giá cao về giá trị thực tiễn và đạt những thành tích nhất định. Trong đó có nhiều giải cấp tỉnh; 1 giải Nhất, 3 giải Ba, 2 giải Khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Có thể kể đến các đề tài như: “Hệ thống cảnh báo khi hết dịch truyền y tế” sử dụng trong quá trình điều trị bệnh nhân nội trú ở bệnh viện, “Tăng cường khả năng chịu nóng của cây hoa lili Sa Pa bằng công nghệ gen” mang đến giá trị nâng cao năng suất cây hoa này khi trồng trong điều kiện nắng nóng ở đồng bằng; “Chế phẩm trừ sâu sinh học XMP” mở ra triển vọng sử dụng nguyên liệu dễ kiếm, nguồn gốc thực vật, thân thiện với môi trường làm thuốc trừ sâu không độc hại... Phong trào nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Mỗi cơ sở giáo dục đều có những thành công nhất định trong tuyên truyền phổ biến và áp dụng KHCN. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này, không chỉ có vai trò của nhà trường, giảng viên, giáo viên trong việc chủ động nghiên cứu, sáng tạo, dẫn dắt học sinh mà còn cần sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương đầu tư, tạo nguồn lực nhất định cho công tác truyền thông, hỗ trợ đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất...

Nguyễn Song Bình (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)
Bình luận
Back To Top