Sức bật Nặm Lịch

09:00 - Thứ Sáu, 24/06/2016 Lượt xem: 4988 In bài viết

ĐBP - Bí thư Đảng ủy xã Nặm Lịch Mùa Trù Di, chia sẻ: Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước gắn với truyền thống đoàn kết cộng đồng các dân tộc, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) đã có những bước chuyển biến tích cực, vươn mình trong phát triển kinh tế - xã hội... “Chìa khoá” tạo nên sự đổi thay của Nặm Lịch hôm nay chính là do Đảng bộ và nhân dân đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, thử thách.

Nhờ sự hỗ trợ trực tiếp từ nhiều chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước, như: Chương trình 134, 135, 167... với quyết tâm thoát nghèo bằng “nội lực”, nhân dân các dân tộc trong xã đã nỗ lực phát triển kinh tế từ nông nghiệp, vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản.

 

Anh Quàng Văn Than, bản Ten Muôn, xã Nặm Lịch chăm sóc đàn gia cầm.

Cũng theo Bí thư Mùa Trù Di: Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng xã vẫn còn 5 bản chưa có điện lưới quốc gia (bản Lịch Nưa, Pá Khôm, Thẩm Phẩm...); một số bản đường giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Đặc biệt, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt còn nhiều hạn chế.

Tìm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân, xã đã huy động mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương, đường giao thông nối liền các bản với trung tâm xã. Năm 2015, từ nguồn vốn WB, xã đã đầu tư làm đường từ bản Lịch Cang vào bản Ten Muôn dài 200m; tuyến đường từ bản Huổi Lương về trung tâm xã dài 1km; vận động người dân nạo vét kênh mương bản Lịch Cang, phục vụ nước tưới tiêu cho 30ha lúa nước. Đặc biệt, khi tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã Nặm Lịch được nâng cấp, rải nhựa (năm 2012) đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, giao thương buôn bán nông sản.

Để thúc đẩy và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bỏ lối canh tác lạc hậu, khai hoang lúa nước, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng... Xã đã tập trung phát triển những cây trồng mũi nhọn gắn với chăn nuôi đại gia súc và nuôi thủy sản, như: Lúa với tổng diện tích 65ha, sản lượng ước đạt 374,53 tấn; ngô 194ha, năng suất ước đạt 31,50 tạ/ha... Đặc biệt, với tổng diện tích cà phê toàn xã là 38,27ha (diện tích kinh doanh 25ha, sản lượng cà phê trấu ước đạt 46,5 tấn) là điều kiện để thúc đẩy kinh tế đi lên theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cung cấp sản phẩm nông nghiệp ra thị trường, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Bên cạnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa với tổng đàn toàn xã trên 12.348 con. Kinh tế dần chuyển dịch theo hướng đa dạng, lương thực bình quân trên 350kg/người/năm, người dân ở Nặm Lịch không những đã thoát khỏi cảnh “bữa đói, bữa no” trong những tháng giáp hạt mà còn có sản phẩm bán ra thị trường. Hiện nay, xã đã đạt 3/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã còn đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, đội ngũ trí thức trẻ; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Đến thăm gia đình anh Lường Văn Tiên, bản Lịch Nưa - hộ điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Anh Tiên, cho biết: Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhận thấy chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế nên anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, lợn, gà... Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh nuôi 4 con trâu, 1.000m2 ao cá và hàng trăm con gia cầm các loại; trồng gần 5.000m2 nương lúa và ngô. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng... Cuộc sống ổn định, anh Tiên dự định sẽ mở rộng chuồng trại, tăng đàn gia súc, gia cầm.

Có thể thấy rằng, những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và trên hết là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong xã đã từng ngày làm “thay da đổi thịt” xã vùng cao Nặm Lịch. Nhưng để đạt được những mục tiêu mới trong tiến trình xây dựng nông thôn mới thì đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần đưa ra những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tạo sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top