9 năm chưa “thảo” được hợp đồng

09:09 - Thứ Sáu, 24/06/2016 Lượt xem: 3932 In bài viết

ĐBP - Sau 9 năm (từ năm 2008) góp đất trồng cây cao su đến nay, hầu hết các hộ dân góp đất trồng cao su trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Do đó, phía Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cũng chưa thể ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất để trồng cao su với người dân. Giờ đây thời gian cạo mủ đang đến gần, người dân càng thêm thấp thỏm lo lắng sẽ bị mất đất và băn khoăn dựa vào cơ sở nào để được phân chia lợi nhuận?

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có hàng chục nghìn hộ dân góp đất trồng cao su, với tổng diện tích gần 6.000ha. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1.388 hộ dân được cấp GCNQSDĐ, chủ yếu tại huyện Điện Biên. Anh Lò Văn Hưởng, bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên thắc mắc: “Gia đình tôi góp đất từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ nên chưa được ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Tại nhiều cuộc họp của bản, xã, tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều kiến nghị nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng”. Gia đình anh Lò Văn Chiến, cùng bản, có 3,4ha đất góp trồng cao su, chưa nhận GCNQSDĐ nên phải thuê người làm trên diện tích nhận khoán chăm sóc, bảo vệ 4ha để giữ đất. Không chỉ riêng gia đình anh Hưởng, anh Chiến, mà hàng chục hộ dân khác ở bản Lĩnh cũng đang sốt ruột chờ được cấp GCNQSDĐ. Còn đối với những hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ thì lại không biết diện tích vườn cao su do mình góp đất nằm ở đâu, bởi đất trồng cao su được cấp theo nhóm hộ. Như đội 12, bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên có hơn 40 hộ góp đất trồng cao su. Theo phương án chia đất thì diện tích đất trồng cao su được chia đều cho các hộ gia đình trong bản, bình quân 3.500m2 đối với hộ có kinh tế trung bình, 4.500m2 đối với hộ nghèo. Mặc dù đã được cấp GCNQSDĐ nhưng không ai biết cụ thể mình được phân chia mảnh đất nào.

 
Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên hướng dẫn nông dân xã Hua Thanh, huyện Điện Biên kỹ thuật cạo mủ cao su. Ảnh: Văn Tâm

Theo hợp đồng, người dân góp đất trồng cao su sẽ được hưởng 10% sản phẩm mủ sau khi khai thác, 10% củi, gỗ khi vườn cây hết chu kỳ khai thác. Và thống nhất chia sản phẩm là đất thực tế trồng cao su và làm hạ tầng theo thỏa thuận đã ký. Cuối năm 2016, hơn 600ha cao su trồng tại xã: Mường Pồn, Hua Thanh và Thanh Nưa của huyện Điện Biên đủ tiêu chuẩn khai thác mủ. Nhưng vấn đề đặt ra là giữa Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và người dân vẫn chưa có hợp đồng pháp lý để phân chia sản phẩm sau thu hoạch. Nguyên nhân do hầu hết người dân chưa được cấp GCNQSDĐ.

Hiện tại mới chỉ có 3 xã đã được cấp GCNQSDĐ là: Mường Pồn, Hua Thanh và Thanh Nưa. Song những hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ cũng chưa được Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên ký hợp đồng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, một số diện tích đã được cấp GCNQSDĐ, nhưng Công ty vẫn chưa thể ký hợp đồng, vì các hộ này đã được cấp GCNQSDĐ nhưng lại không có tên trong danh sách đo đạc quy chủ ban đầu, nay lại được bổ sung vào danh sách các hộ đồng sở hữu mà không được thẩm định rõ ràng, làm tổng diện tích quy chủ tăng lên, dẫn đến không có đủ diện tích cao su để chia cho các hộ dân này. Theo ông Lợi, nguyên nhân dẫn đến việc sai sót, nhầm lẫn trên là công tác quy chủ đo đạc do phía UBND tỉnh chịu trách nhiệm nhưng cấp GCNQSDĐ lại là thẩm quyền của UBND huyện Điện Biên. Chính vì vậy, có sự nhầm lẫn, dẫn đến sai lệch trong khi đo đạc, quy chủ. Phía Công ty vừa kiến nghị với UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ban ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ, cấp GCNQSDĐ cho người dân. Trong số những nhóm hộ đã được cấp đất trồng cao su ở xã Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Pồn vẫn còn một số hộ chưa được lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ... nên chưa có cơ sở pháp lý để Công ty ký hợp đồng. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng dù các hộ dân góp đất trồng cao su với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã 9 năm mà vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ.

Theo ông Lợi, dự kiến tháng 9 tới, hàng trăm héc ta cao su ở huyện Điện Biên sẽ cho khai thác mủ, nhưng nếu chính quyền chưa thể cấp được GCNQSDĐ cho các hộ dân thì Công ty cũng chưa thể mở cạo. Bởi nếu mở cạo mà không có hợp đồng về việc phân chia lợi nhuận sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Về phía Công ty cũng không muốn điều đó xảy ra, bởi nếu không mở cạo được sẽ ảnh hưởng sản lượng mủ và hoạt động chung của Công ty.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top