Giảm nghèo ở huyện Nậm Pồ

Cần sự chủ động vào cuộc của người dân

10:17 - Thứ Hai, 25/07/2016 Lượt xem: 2304 In bài viết
ĐBP - Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Nậm Pồ tăng từ 54,07% lên 72,09%, với 6.363/8.626 hộ (cao thứ 2 toàn tỉnh). Để đáp ứng nhiệm vụ giảm nghèo trong giai đoạn mới, Huyện ủy Nậm Pồ đã xây dựng Nghị quyết về Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2016 – 2021. Qua đó, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được thống nhất nêu ra… 

Tuy nhiên, để thực hiện thành công, đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân ở vùng đất còn gian khó này cần rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp từ phía người dân.
 
Cán bộ Đồn Biên phòng Nà Hỳ hướng dẫn người dân bản Huổi Hoi, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ chăm sóc bò giống.

Sau khi chia tách, thành lập và bước đầu ổn định bộ máy hành chính, cuối năm 2014, huyện Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2014 – 2020. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch, tăng trưởng; hạ tầng được đầu tư, cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên… Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 58,52% năm 2013 xuống dự ước còn 21,71% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011  -  2015). Mặc dù vậy, theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo giảm mạnh nhưng tỷ lệ hộ có khả năng rơi xuống nghèo cũng rất cao (2.219 hộ có khả năng rơi xuống nghèo năm 2016), chênh lệch mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn. Trong số 15 xã, có 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) trên 90% (Nậm Chua và Nậm Nhừ), 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 70 - 88%. Cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư song chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là mạng lưới giao thông từ huyện đến xã và liên xã cơ bản là đường đất. Toàn huyện có trên 700km giao thông nhưng hiện chỉ có khoảng trên 20km đường nhựa (dọc theo quốc lộ 4H qua địa bàn huyện), đi lại, lưu thông hàng hóa vào mùa mưa vô cùng khó khăn; cơ sở vật chất y tế còn thiếu thốn, toàn huyện mới có 2/15 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 6/15 xã, 23/131 bản có nhà văn hóa; hệ thống chợ nông thôn sơ sài, chủ yếu mang tính tự phát, đời sống người dân nhìn chung còn rất nhiều khó khăn, nhất là tại khu vực vùng xa, biên giới.

Nguyên nhân tình trạng mặt bằng kinh tế - xã hội hạn chế, đời sống người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ còn nghèo được xác định cơ bản do: Xuất phát điểm hạ tầng kinh tế - xã hội, trình độ dân trí thấp; phương thức sản xuất của người dân còn lạc hậu, khó thay đổi, chủ yếu dựa vào cây trồng trên nương, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; trong khi địa bàn huyện rộng, dân cư không tập trung, thị trường hàng hóa chưa phát triển; nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu; các hoạt động truyền thông về xóa đói, giảm nghèo còn rất hạn chế, người dân chưa xác định được trách nhiệm trong giảm nghèo; một bộ phận còn có tư tưởng trông chờ vào chế độ chính sách…

Ông Điêu Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: Ngay từ khi chia tách, huyện xác định để hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, cần tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng điện, đường, trường, trạm… tạo “nền móng” cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xây dựng các cụm trung tâm xã, đặc biệt là khu trung tâm 3 Chà (Chà Cang, Chà Nưa, Chà Tở) với ưu thế có quốc lộ 4H đi qua; đẩy mạnh sản xuất canh tác, nghiên cứu giống lúa năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; cải tạo đất khai hoang; chú trọng chăn nuôi đại gia súc, giống cỏ, tiến tới xây dựng mô hình trang trại nhỏ đạt tiêu chuẩn; đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển và hưởng lợi từ rừng. Về tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước, thực tế hiện nay không nhiều người muốn là hộ nghèo để hưởng ưu đãi, bởi đã có nhiều phương pháp hỗ trợ có điều kiện, việc “cho không, cho mãi, cho dàn trải” đã không còn. Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện và các đơn vị chuyên môn, chính quyền các xã quán triệt chỉ ưu tiên, bình xét hỗ trợ cho những hộ nghèo nhưng có ý thức vươn lên, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và cam kết hoàn thành những điều kiện thoát nghèo trong một thời hạn nhất định.

Hiện nay trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Nậm Pồ, ngoài hạn chế về hạ tầng thì nhận thức, ý thức hệ của người dân cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trái ngược với tư tưởng trông chờ, ỷ lại hay được nhắc đến, có những cộng đồng dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn lại tỏ ra bàng quan, ngại thay đổi, tự ti với chính quyền khi chính sách Nhà nước đến nơi. Đã có trường hợp, khi các đơn vị chức năng đến khảo sát, lấy ý kiến để xây dựng một chương trình dự án nào đó, nhưng bà con cho rằng “bao đời nay, với tập quán của mình, dân bản vẫn sống được, có sao đâu! Thay đổi làm gì”. Vì vậy, công tác tuyên truyền một cách có hiệu quả, phù hợp là định hướng được đặt ra. Thực tế tại những địa bàn vùng sâu, tỷ lệ hộ nghèo lên đến mức tuyệt đối, việc tiếp cận thông tin của bà con gần như bằng không. Trong những lần tiếp xúc không thường xuyên (do điều kiện địa bàn rất xa, hiểm trở) của lãnh đạo và các đơn vị chuyên môn huyện, việc chỉ tuyên truyền bằng lời, dựa trên chủ trương một cách máy móc, cộng với sự bất đồng về ngôn ngữ… sẽ không mang lại hiệu quả. Đối với người dân ở vùng cao, hiện nay ngoài chiếc xe máy thì điện thoại di động cũng là vật bất ly thân, trong nhà thường không mua sắm tài sản gì ngoài 2 thứ này. Xe máy thì rõ rồi, thay con ngựa ngày xưa, còn tại sao bà con “thích” điện thoại như vậy? Vì họ có nhu cầu tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất. Dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng những buổi tuyên truyền song ngữ bằng máy chiếu, trình chiếu những phóng sự về cách làm hay, hướng dẫn các nội dung khoa học kỹ thuật, văn hóa – xã hội cần được đẩy mạnh.

Cơ sở hạ tầng rất quan trọng, nhưng không phải muốn là làm được ngay, nhất là trong điều kiện kinh phí hạn hẹp như hiện nay. Muốn xóa đói, giảm nghèo một cách có hiệu quả, đi vào thực chất, mang tính bền vững, cần có sự cam kết vươn lên từ người dân. Và để có được sự cam kết này, cần phải thay đổi được nhận thức của họ.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top