6 tháng đầu năm: Mua bán, sáp nhập đạt trên 3 tỷ USD

09:14 - Thứ Ba, 26/07/2016 Lượt xem: 2010 In bài viết
Riêng nửa đầu năm 2016, hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn đã khiến tổng giá trị đạt trên 3 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ 2015). Hoạt động này được dự báo sẽ cán mốc 6 tỷ USD trong năm nay và có tác động lớn tới nhiều ngành kinh tế.

Đây là thông tin được nêu trong buổi họp báo về sự kiện "Diễn đàn M&A 2016: M&A trong không gian kinh tế mở" tổ chức ngày 25/7, tại Hà Nội.

Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) dự báo trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, trên thị trường đã xuất hiện các thương vụ M&A trị giá lên tới cả tỷ USD và là những thương vụ có tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam tổ chức ngày 18/8 tại TPHCM tới đây được tổ chức dưới dự bảo trợ của Bộ KH&ĐT thu hút hơn 300 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về M&A của Việt Nam và quốc tế, trên 3.000 lãnh đạo cấp cao của các công ty nước ngoài, quỹ đầu tư quốc tế, tổng công ty nhà nước và tập đoàn tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam.

Diễn đàn năm nay sẽ dành thời gian để đánh giá về thị trường M&A khu vực và Việt Nam năm 2015-2016 và triển vọng 2016-2020 dưới tác động của không gian kinh tế mở. Diễn đàn cũng có chương trình kết nối đầu tư lớn nhất trong năm (MAF EXPO 2016) nhằm tạo điều kiện cho bên mua, bên bán và các nhà tư vấn gặp gỡ để kết nối các thương vụ.

Ngoài ra, nhằm tôn vinh những thương vụ và người tạo lập thương vụ, hằng năm, Ban Tổ chức triển khai chương trình bình chọn và trao tặng thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tận dụng các cơ hội được mở ra từ hội nhập quốc tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Đối với các nhà đầu tư, năm 2016 đánh dấu một mốc quan trọng về hội nhập quốc tế khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hiệp định tự do song phương với EU, Hàn Quốc và một số nước, khu vực khác. Một tầm nhìn mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư vào một quốc gia ASEAN, nhà đầu tư đang tiếp cận không phải chỉ một thị trường đơn lẻ, mà là một thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân với lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh.

Theo VGP News
Bình luận
Back To Top