Thử nghiệm nuôi cá tầm tại huyện Điện Biên

09:08 - Thứ Sáu, 26/08/2016 Lượt xem: 4571 In bài viết
ĐBP - Từ tháng 4/2016, cá tầm chính thức được thả nuôi thí điểm tại Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Sau 5 tháng thả nuôi, cá tầm có trọng lượng từ 500 - 600g/con, tăng trưởng vượt mức so với quy trình khoa học - kỹ thuật (từ 400 - 500g/con). Kết quả này mở ra triển vọng mới về phát triển thủy sản giá trị cao tại huyện Điện Biên.

Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm trong lồng, bè tại hồ Thủy lợi Pe Luông, xã Thanh Luông” được triển khai thực hiện từ tháng 4/2016, sau một thời gian Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu và mua cá giống tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Xác định địa hình, khí hậu, nhiệt độ nước có nhiều điểm tương đồng với các địa phương đã thành công với mô hình nuôi cá tầm, Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông quyết định thả 4.000 con cá giống nuôi tại 8 lồng, bè tại hồ Thủy lợi Pe Luông. Ông Nguyễn Thế Nghi, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông, cho biết: Tại các địa phương nuôi nhiều cá tầm như huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và Sơn La, sau 5 tháng nuôi, cá tầm chỉ nặng 400 – 500g/con. Với mức phát triển hiện tại chứng tỏ cá tầm bước đầu phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Điện Biên.

 

Ông Nguyễn Thế Nghi, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá tầm.

Theo ông Nguyễn Thế Nghi, cá tầm là giống cá rất nhạy cảm. Vì vậy, trước khi thả nuôi phải xử lý kỹ môi trường, tiêu độc, khử trùng, đo nhiệt độ nước, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Cá tầm sống ở tầng đáy, ăn thức ăn chìm nên rất ít bị dịch bệnh – đây là một thuận lợi khi nuôi cá tầm. Tuy nhiên, nước hồ Pe Luông vào mùa mưa hay bị vẩn đục, nhanh thì 1 tuần nước mới trong trở lại, có thời điểm kéo dài cả tháng. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành theo dõi quá trình phát triển của cá trong môi trường nước đục. Nếu sang tháng 9, cá vẫn phát triển, tăng trưởng đều thì sẽ mở rộng nuôi thêm 8 lồng, bè, với số lượng 4.000 con. Theo kế hoạch, sau 18 tháng nuôi, trọng lượng cá từ 3,2 – 3,5kg/con sẽ xuất bán ra thị trường.

Cá tầm là giống cá có giá trị kinh tế cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức hay cá nhân nuôi và cung ứng loại cá này. Theo khảo sát tại các nhà hàng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, cá tầm có giá 650.000 đồng/kg và đều được nhập từ huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Tuy nhiên, ông Nghi cho biết: “Đó là giá bán tại nhà hàng. Hiện nay, cá tầm trên thị trường có giá 350.000 đồng/kg, chỉ bán đúng mức giá này người nuôi đã có lợi nhuận khá. Hơn nữa, nếu Điện Biên tự cung ứng được sản phẩm cá tầm thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì lúc đó, giá cá tầm tại các nhà hàng sẽ giảm”.

Để đánh giá chính xác hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm tại huyện Điện Biên cần phải chờ khoảng 1 năm nữa. Song, với những kết quả khả quan hiện tại, cá tầm đang mang lại niềm hy vọng lớn lao, tạo hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện Điện Biên phát triển thủy sản.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top