Thực hiện Đề án 79:

Còn nhiều vướng mắc

09:29 - Thứ Năm, 29/09/2016 Lượt xem: 3936 In bài viết
ĐBP - Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN tại huyện Mường Nhé (gọi tắt là Đề án 79), tính đến thời điểm này công tác triển khai thực hiện các phần việc của Đề án 79 đã làm được nhiều việc song so với yêu cầu chung vẫn còn chậm. 

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 79, các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện di chuyển, bố trí, sắp xếp ổn định cho 653 hộ để thành lập 20 bản mới, bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản (đạt 34,58% số hộ, 42,55% số bản so với mục tiêu được duyệt); chia đất ở, đất sản xuất cho hơn 500 hộ, 22 bản; chia đất sản xuất trung bình từ 1 – 2ha cho gần 300 hộ, 12 bản.

 
Hiện tại các chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để chia đất sản xuất, đất ở cho các hộ còn lại. Tại nơi ở mới, người dân được hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng ổn định cuộc sống. Các dự án đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà lớp học, cầu kè bảo vệ khu dân cư đang tiếp tục triển khai thực hiện…

 

Bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé hiện mới có 13/34 hộ được chuyển đến.

Tuy nhiên, so với mục tiêu của Đề án thì tiến độ bị chậm so với kế hoạch. Đã có rất nhiều cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây nhất (ngày 9 – 10/9/2016) tại huyện Mường Nhé do đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 79 chủ trì cho thấy tiến độ thực hiện bố trí, sắp xếp, di chuyển đến nơi ở mới, cấp đất ở, đất sản xuất đến thời điểm hiện tại không tăng so với những cuộc họp trước. Tại các điểm Mường Toong 5, 6, 7, 8, 10, Nậm Kè 2 và Huổi Ban chưa giao đất sản xuất cho nhân dân và chưa có điểm nào làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất sản xuất, đất ở cho các hộ dân. Công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, trình và phê duyệt các phương án còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ di chuyển, cấp đất sản xuất dẫn đến không đảm bảo lương thực cho bà con. Tiến độ xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật còn rất chậm, vẫn còn một số công trình hạ tầng thiết yếu cho nhân dân nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt và chưa được phân bổ vốn để triển khai... Chủ đầu tư đã đưa ra những khó khăn, ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống người dân và tiến độ chung của Đề án như: Đường vào các bản Mường Toong 7, 8, 9 khó khăn, gặp mưa nhiều, ảnh hưởng tới việc di chuyển người dân đến nơi ở mới; có hiện tượng chồng chéo trong vấn đề quy hoạch các điểm bản lấn vào quy hoạch đất trồng cao su hoặc nơi quy hoạch đất khô cằn, sỏi đá, người dân không có điều kiện ổn định cuộc sống; di chuyển ngay các hộ nằm trong vùng nguy hiểm dễ xảy ra sạt lở; đẩy nhanh tiến độ cấp đất sản xuất, hỗ trợ đời sống người dân...

Bản Huổi Ban, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đến nay đã di chuyển và bố trí đất sản xuất cho 100% hộ. Mặc dù nằm cạnh quốc lộ 4H, thế nhưng đời sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Anh Sùng A Giàng, Trưởng bản Huổi Ban cho biết: “Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều di cư từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La lên. Bản chúng tôi “may mắn” được giao đất sản xuất, nên bà con yên tâm canh tác. Tuy nhiên, đến nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư xây dựng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con trong bản. Hiện tại mới có đường nước sinh hoạt còn đường giao thông, trường học, thủy lợi, nhà văn hóa vẫn chưa được đầu tư. Chúng tôi mong sao Đề án sớm hoàn thành để người dân yên tâm định canh, định cư thôi”. Còn ở điểm bản như: Tiên Tiến, Thống Nhất, Tân Phong… người dân vẫn chưa đăng ký chuyển về. Hai bản này được quy hoạch với 96 hộ, do UBND huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư, nhưng nay chủ đầu tư mới đang xây dựng đề cương dự toán chuẩn bị trình phê duyệt phương án. Nguyên nhân do thiếu diện tích đất sản xuất, đất xấu, thiếu nguồn nước sinh hoạt…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh lập Tờ trình: Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT - XH, bảo đảm QP -AN huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Qua đó, tỉnh đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020 (thực hiện hỗ trợ đời sống và xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2018, hỗ trợ phát triển sản xuất đến năm 2020); kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô số hộ thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định tại chỗ cho những hộ đã có đất ở và đất sản xuất do tăng dân số tự nhiên so với thời điểm lập Đề án 79 (tăng 1.541 hộ, 7.138 khẩu). Do Điện Biên là tỉnh nghèo, việc kêu gọi, huy động từ doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng trong giai đoạn hiện nay rất khó thực hiện. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi chính sách hỗ trợ nhà ở của Đề án thành ngân sách Trung ương hỗ trợ chi phí tạo mặt bằng nền nhà ở và xây dựng nhà ở, với mức hỗ trợ 26,4 triệu đồng/hộ; điều chỉnh về tổng vốn đầu tư và nguồn vốn phân kỳ vốn đầu tư...

Đề án 79 đã được Chính phủ kéo dài thêm thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn và cả việc bố trí đất ở, đất sản xuất đang là rào cản trong quá trình triển khai. Tại buổi làm việc với các chủ đầu tư tại huyện Mường Nhé, đồng chí Lê Thành Đô đã chỉ đạo thời gian tới, các sở, ngành và đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người dân theo quy định, làm tốt khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, phân chia đất cho các hộ. Với những vướng mắc trong quản lý địa bàn, chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền để bàn giao, giúp người dân hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ có liên quan, xem xét huy động nguồn vốn xã hội hóa để giúp đỡ hộ đặc biệt khó khăn. Với chỉ đạo này, Đề án 79 đã có thêm những giải pháp, tuy nhiên việc triển khai cần phải được huyện Mường nhé và các ngành chức năng triển khai nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top