Cần cơ chế quản lý chặt chẽ siêu thị mini

08:43 - Thứ Sáu, 30/09/2016 Lượt xem: 3712 In bài viết
ĐBP - Tiện lợi, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, giá cả phải chăng… đó là lý do những năm gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta hoạt động theo mô hình siêu thị (gọi chung là siêu thị mini). 

Gọi là siêu thị mini vì các cơ sở kinh doanh này tuy có quy mô nhỏ hơn so với siêu thị đạt chuẩn, song từ các siêu thị mini tổng hợp đến các siêu thị mini chuyên doanh trên địa bàn thì sản phẩm đều rất phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Có nhiều nguyên nhân khiến cho siêu thị mini phát triển như: phù hợp với tâm lý, tập quán của người dân là “tiện đâu mua đấy”, giá cả ổn định, giá trị đầu tư chuỗi cửa hàng không quá lớn, phù hợp với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp trên địa bàn. Sự ra đời của các siêu thị mini đã tạo nên sự cạnh tranh sôi động trên thị trường hàng tiêu dùng, không chỉ tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động mà người tiêu dùng còn được hưởng nhiều tiện ích, có thêm lựa chọn khi mua sắm… 

 
Siêu thị Hoa Ba là siêu thị duy nhất được công nhận đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân chọn mua hàng tại Siêu thị Hoa Ba.

Tuy nhiên, việc các cơ sở kinh doanh không đạt tiêu chuẩn về diện tích, chủng loại hàng hóa, vốn, trang thiết bị chuyên dùng… nhưng vẫn treo biển “siêu thị” phần nào ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo Quyết định số 1371/2004/QĐ - BTM, ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về quy chế siêu thị, trung tâm thương mại hiện vẫn còn hiệu lực quy định: “Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm của khách hàng”. Quy chế cũng nêu rõ chỉ các cơ sở kinh doanh thương mại có đủ tiêu chuẩn mới được đặt tên là siêu thị và nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thương mại không có đủ tiêu chuẩn tự đặt tên là siêu thị hoặc đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng nước ngoài. Theo đó, chỉ các cơ sở có địa điểm phù hợp với quy hoạch, có diện tích từ 250m2 đến hơn 5.000m2; danh mục kinh doanh từ 4.000 - 20.000 tên hàng trở lên, có quy chế hoạt động được duyệt; được Sở Công Thương công nhận là siêu thị với các thứ hạng I, II và III. Không chỉ nghiêm cấm, tại Khoản a, Mục 1, Điều 98 Nghị định 185/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi đặt tên gọi của cơ sở kinh doanh là “siêu thị” hoặc từ ngữ tương đương bằng tiếng nước ngoài mà không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.

Quy định là vậy, song để thu hút người tiêu dùng, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã tự trưng biển “siêu thị” trong khi chưa được cơ quan chức năng công nhận. Nguyên nhân một phần là do hầu hết những cơ sở kinh doanh theo mô hình siêu thị trên địa bàn tỉnh đều phát triển mang tính tự phát, do tư nhân tự mở, chưa được sự quản lý chặt chẽ, toàn diện của các cơ quan Nhà nước. Mặc dù đã có Quy chế 1371 về quản lý siêu thị và trung tâm thương mại nhưng siêu thị mini vẫn nằm ngoài danh mục quản lý. Vì là tự phát, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ không loại trừ trường hợp một số siêu thị mini vì lợi nhuận mà nhập hàng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở kinh doanh treo biển “siêu thị”, tuy nhiên, chỉ có duy nhất Siêu thị Hoa Ba được công nhận đạt chuẩn, các “siêu thị” khác mới chỉ là cơ sở kinh doanh hoạt động theo mô hình siêu thị như: Siêu thị Hải An hàng chất lượng cao của Doanh nghiệp Thương mại tư nhân số 1; Siêu thị Xe máy của Công ty TNHH Anh Tuấn; Siêu thị Điện Biên của Công ty Cổ phần Hoàng Nga; Siêu thị Bình An… Hầu hết những cơ sở kinh doanh này đều không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về: diện tích kinh doanh tối thiểu, khu phụ trợ như: dịch vụ, giải trí, vệ sinh, bãi để xe… bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh, phục vụ của các siêu thị còn thấp.

Theo ông Nguyễn Huy Cậy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương): Đối với những cơ sở kinh doanh theo mô hình siêu thị trên địa bàn, hiện nay đơn vị mới chỉ xử phạt về mặt kinh doanh thương mại như: công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm nhãn mác… còn việc xử lý vi phạm về treo biển hiệu không đúng quy định thì đơn vị vẫn chưa xử phạt trường hợp nào. Khi phóng viên muốn tìm hiểu rõ hơn tại sao chưa có trường hợp nào bị xử phạt, thì được giới thiệu sang Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương). Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề trên với ông Phạm Xuân Hưng, Phó phòng Quản lý Thương mại thì chúng tôi lại nhận được lời giới thiệu là: muốn tìm hiểu kỹ hơn thì đến Chi cục Quản lý thị trường!? 

Thiết nghĩ, bên cạnh việc khuyến khích phát triển, tạo điều kiện tối đa để các cơ sở kinh doanh hoạt động thuận lợi, hiệu quả, thì cần chú trọng hơn công tác quản lý các “siêu thị mini”, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top