Hàng khuyến mại, giảm giá

Người tiêu dùng cần cảnh giác

08:51 - Thứ Sáu, 30/09/2016 Lượt xem: 2921 In bài viết
ĐBP - Giảm giá, khuyến mại là một phương thức kích cầu của các nhà sản xuất, nhà phân phối. Đối với thị trường hàng hóa ở tỉnh ta, mặc dù phát triển chưa mạnh nhưng các “chiêu” thu hút, lôi kéo khách hàng bằng phương pháp khuyến mại, giảm giá khá phổ biến. Tuy nhiên, việc can thiệp, xử lý của các cơ quan chức năng theo Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại lại không dễ.

 

Nhiều cửa hàng treo băng rôn “giảm giá, xả hàng giá gốc” trên đường Nguyễn Chí Thanh.

“Mua 1 tặng 1”, “giảm giá 30%, 50%, 70%”… là những băng rôn, tờ rơi phổ biến hiện nay. Dạo một vòng quanh thị trường hàng hóa ở TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu này được treo tại các cửa hàng. Đây là phương thức kích cầu không mới, thậm chí có thể nói đã là “kinh điển” trong kinh doanh trên toàn thế giới. Tất nhiên, phương thức này nếu được áp dụng đúng sẽ có lợi cho cả đôi bên, nhà phân phối bán được nhiều hàng hơn, còn người tiêu dùng thì mua được hàng với giá thấp hơn giá niêm yết. Tuy nhiên, tính xác thực của các chương trình giảm giá này thì chỉ có… nhà phân phối mới rõ được. Một lần được anh bạn rủ đi mua giày tại một cửa hàng trên đường Võ Nguyên Giáp mà nguyên nhân chính thu hút chúng tôi là do “shop giảm giá từ 30 - 50%”. Tuy nhiên, khi vào tìm 1 đôi giày mới ưng ý, giá hợp lý, tôi đã phải thất vọng, bởi chưa nói đến chất lượng, mẫu mã, các sản phẩm tại đây không đáp ứng được về giá cả, khi hỏi thử vài đôi, tôi thấy giá không thấp hơn các cửa hàng khác. Ngoài ra, các sản phẩm đã có dấu hiệu ẩm mốc do để lâu, bảo quản kém. Đương nhiên là tôi không mua và đây là một thất bại “kép” cho cả chủ lẫn khách. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong vô vàn chiêu thức thu hút khách hàng trên thị trường. Cũng trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, theo quan sát của chúng tôi, có cửa hiệu treo biển “thanh lý, xả hàng” năm này qua năm khác, còn việc có thanh lý hay không thì chỉ có chủ quán mới là người quyết định.

Bà Đàm Thanh Vân, Trưởng phòng Quản lý giá, Sở Tài chính cho biết: Tại Điều 39, Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có ghi rõ: “Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Điều 46 cũng quy định cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động khuyến mại như: Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng; khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng; phân biệt đối xử đối với các khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau trong cùng một chương trình khuyến mại; tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình...  Trên địa bàn tỉnh ta, trừ một số mặt hàng được Nhà nước quản lý về giá, thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá (sữa, xăng, dầu…) hay trong trường hợp xuất hiện doanh nghiệp cùng sản xuất kinh doanh 1 loại hàng hóa nhưng có giá bán thấp hơn hẳn hoặc có dấu hiệu khuyến mại cạnh tranh không lành mạnh thì Nhà nước mới can thiệp. Còn trong phân phối hàng hóa tiêu dùng, chủ các cửa hàng bán lẻ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về thuế, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… của hàng hóa, việc cạnh tranh về giá cả, khuyến mại là do chủ hàng cân đối, hoạch định trong việc kinh doanh, Nhà nước chỉ can thiệp khi có khiếu kiện. Vừa qua, theo chúng tôi được biết, cũng đã có những ý kiến phản ánh về việc cạnh tranh, khuyến mại của một số hãng viễn thông đang hoạt động tại tỉnh Điện Biên, tuy nhiên, sự việc đã được xử lý từ đại diện các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top