Giọt “vàng trắng” đầu tiên

08:36 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 3186 In bài viết
ĐBP - Mặc dù chưa chính thức công bố lễ khai thác mủ cao su, nhưng hiện nay hơn 40/672ha cao su trồng từ năm 2008 trên địa bàn tỉnh đã chính thức được mở cạo. Những dòng mủ trắng đầu tiên đó chính là thành quả sau bao năm tháng vất vả bạt núi, xuyên rừng, cõng cây lên non. Và đó cũng là kết tinh bao khát khao về một cuộc sống thoát khỏi đói nghèo, thay da đổi thịt của người dân nơi đây về loại cây trồng “cứu cánh” cuộc sống hiện tại và tương lai.

Con đường dẫn vào những cánh rừng cao su các xã Mường Pồn, Hua Thanh, Thanh Nưa... huyện Điện Biên rợp bóng mát, len lỏi dưới những tán cây đã vươn cao. Năm 2008, lần đầu tiên người dân Điện Biên biết đến khái niệm trồng cây cao su. Từ những bỡ ngỡ ban đầu của người dân bản xứ, dần dần, cây cao su được chăm bón, vươn xanh, cũng là lúc thói quen canh tác lạc hậu dần dần được xóa bỏ trong nếp nghĩ, cách làm. Với hy vọng cây cao su sẽ đem lại cuộc sống ấm no hơn những loại cây trồng khác nên đã có hàng trăm hộ dân tham gia góp đất trồng cao su. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở tỉnh ta nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung thì cây cao su ít nhất phải có thời gian sinh trưởng và phát triển từ 7 - 8 năm mới có thể cho mở cạo. Thời gian sinh trưởng của cây cao su đã đủ năm, đủ tháng nhưng thông tin về khai thác mủ lại bị lùi đi lùi lại nhiều lần khiến người dân hoài nghi về giá trị của loài cây này. Đặc biệt, đến nay người dân góp đất trồng cao su vẫn chưa được ký hợp đồng phân chia lợi nhuận và gần đây nhất thông tin cao su ở một số tỉnh, như Sơn La bị chặt hạ vì không có mủ càng khiến người dân hoang mang, lo sợ hơn.

 

Đầu tháng 10/2016, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên chính thức mở cạo hơn 40ha cao su tại huyện Điện Biên.

Song như để khẳng định với người dân góp đất trồng cao su và chính quyền địa phương về “cây mũi nhọn” trong phát triển KT - XH, tiến tới xóa đói giảm nghèo, vừa qua (đầu tháng 10/2016) Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã bắt đầu mở cạo hơn 40ha cao su tại 2 xã Mường Pồn và Thanh Nưa, huyện Điện Biên được trồng từ năm 2008. Dù chưa thể khẳng định được năng suất, giá trị sản lượng mủ thế nào, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng thì chất lượng và sản lượng mủ cao su trên địa bàn tỉnh ta vẫn tốt và năng suất hơn một số tỉnh miền xuôi. Việc mở cạo cao su không chỉ đánh dấu một bước quan trọng trong việc trồng cao su trên địa bàn tỉnh mà còn mở ra hy vọng xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao su và loại bỏ những hoài nghi trong người dân bấy lâu. Anh Lò Văn Hưởng, bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: Mình đã tin tưởng nên góp hết đất để trồng cao su. Đến nay Công ty đã bắt đầu mở cạo, gia đình mình vui lắm. Dù chưa biết giá trị kinh tế của cây cao su sẽ tác động đến gia đình mình thế nào, nhưng những giọt mủ trắng bắt đầu chảy đã phần nào khiến những hộ dân như gia đình mình yên tâm và tin tưởng hơn vào cây cao su.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết: Việc mở miếng cạo mủ cao su sẽ là bước đệm quan trọng cho dự án triển khai trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, sẽ đưa ra lời giải cho sự hoài nghi của nhiều người về việc phát triển cây cao su trên vùng biên giới của Tổ quốc, bởi vốn dĩ trước đây cây cao su được biết đến chỉ có thể trồng ở miền Nam có khí hậu nóng, ẩm. Cũng theo ông Lợi, mặc dù chưa chính thức công bố lễ khai thác mủ cao su nhưng bắt đầu từ tháng 10, Công ty đã bắt đầu mở cạo hơn 40ha tại 2 xã Mường Pồn và Thanh Nưa. Sang năm 2017, Công ty dự kiến đưa vào khai thác khoảng 500ha cao su trồng từ năm 2008. Còn dự kiến sang tháng 11 tới đây, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ thống nhất với tỉnh chính thức công bố lễ khai thác mủ cao su.

 

Việc khai thác mủ cao su mở ra nhiều hy vọng cho bà con góp đất trồng cao su.

Liên quan đến việc thống nhất tính pháp lý đối với người dân góp đất trồng cao su, ông Lợi cho rằng tại cuộc làm việc giữa Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam  với Thường trực Tỉnh ủy cuối tháng 9 vừa qua đã thống nhất được phương án phân chia lợi nhuận sản phẩm và trong tuần tới Công ty sẽ rà soát và ký hợp đồng với người dân để đảm bảo tính minh bạch cũng như đảm bảo quyền lợi cho bà con. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân và giải thích kỹ lưỡng về phần được phân chia giá trị sản phẩm cụ thể: diện tích góp đất của người dân nhân với năng suất bình quân của toàn Công ty trên tổng diện tích đất góp nhân với 10% và nhân với giá thị trường. Như vậy số tiền người dân nhận được nhiều hay ít được tính dựa theo năng suất bình quân của toàn Công ty. Công ty cũng đã đưa ra ví dụ cụ thể về năng suất, sản lượng của 1ha thu hoạch mủ cao su theo từng năm của một hộ gia đình và tính ra số tiền cụ thể để người dân hiểu mình sẽ có bao nhiêu lợi nhuận trong tổng lợi nhuận. Và sau khi hết chu kỳ kinh doanh khoảng 20 năm, vườn cây thanh lý, các hộ góp đất cũng được tỷ lệ như hình thức chia sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Lợi, diện tích khai thác ít, lượng mủ khai thác năm đầu tiên dự kiến sẽ ít, thời gian cạo trung bình 4 ngày sẽ cạo lại 1 cây liên tục trong 1 năm trừ mùa đông. Do Nhà máy Sơ chế mủ cao su chưa được xây dựng nên số lượng mủ cạo trong năm nay sẽ được Công ty đánh đông để thuận tiện cho việc bán cho các đơn vị trong ngành chế biến cao su thu mua. Còn việc triển khai tiến hành xây dựng nhà máy phục vụ chế biến mủ cao su vẫn đang trong quá trình tiến hành, nhưng ít nhất phải cuối năm 2017 mới có thể xây dựng. Bởi theo tính toán của ông Lợi, việc xây dựng Nhà máy phải mất hơn 100 tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn I là 3.000 tấn/năm, song với sản lượng khai thác như hiện nay thì không đủ nguyên liệu để nhà máy hoạt động, dẫn đến khấu hao giá trị tài sản và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và Công ty.

Những giọt “vàng trắng” đang chảy trong từng thớ gỗ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho cây cao su tỉnh ta. Một rừng cây, một đời người. Giữa cánh rừng cao su xanh tốt kia là hàng nghìn con người cần mẫn ươm từng gốc cây, vén từng hòn đất. Để rồi, khi những giọt “vàng trắng” đầu tiên chảy xuống, họ mừng vui, phấn khởi đến nghẹn ngào. Tin rằng mùa khai thác mủ cao su đầu tiên này sẽ mang “vàng trắng” đến với cuộc sống của người dân đã góp đất trồng cao su và thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top