Phong trào nông dân thi đua SXKDG ở Mường Chà

Luồng sinh khí mới cho phát triển kinh tế - xã hội

08:47 - Thứ Hai, 28/11/2016 Lượt xem: 2869 In bài viết
ĐBP - Hưởng ứng Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) do Trung ương Hội và tỉnh Hội phát động, Hội Nông dân huyện Mường Chà phát động rộng rãi tới toàn thể hội viên nông dân trong huyện. Ban đầu, chỉ có một số hộ tham gia phong trào bằng cách làm kinh tế vườn rừng với quy mô nhỏ. Dần dần đã có thêm nhiều hộ tham gia với mô hình lớn hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cũng chính từ đây, huyện Mường Chà xuất hiện những mô hình nông dân triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Mường Chà, chúng tôi đến nhà lão nông triệu phú Hồ Sông Giàng, bản Sa Lông 2, xã Sa Lông. Ít ai nghĩ một tay ông Giàng đã gây dựng nên cơ ngơi bao gồm: hơn 20 con trâu, bò; 10ha vườn rừng, 1ha ruộng nước; gần 2.000m2 ao cá và nhiều gia súc, gia cầm khác... Chia sẻ về bí quyết làm giàu với chúng tôi, ông Giàng, nói: Ngày trước kinh tế gia đình ông cũng khó khăn lắm, 2 vợ chồng làm “đầu tắt mặt tối” cũng chỉ đủ ngày 3 bữa cơm cho con chứ chẳng tích lũy được gì. Luẩn quẩn trong đói nghèo mãi khiến ông suy nghĩ phải thay đổi phương pháp, hướng sản xuất thì mới mong có của ăn, của để. Nghĩ là làm, ông làm đơn xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đào ao thả cá. Tiếp đó ông mua vài cặp trâu, bò giống về nuôi sinh sản. Bước đầu còn thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. Thế nhưng ông không nản chí mà tiếp tục nhận khoanh nuôi, bảo vệ thêm 10ha rừng để trồng các loại cây lấy gỗ, ăn quả và làm trang trại chăn nuôi lợn, gà... Song song với đó gia đình ông tập trung sản xuất, mở rộng diện tích lúa ruộng để đảm bảo lương thực cho gia đình và làm hàng hóa bán ra thị trường. Đến nay, bao cố gắng nỗ lực của ông đã cho trái ngọt. Chỉ tính riêng tiền bán trâu, bò một năm ông cũng thu nhập hơn trăm triệu đồng. Nếu tính thêm tiền bán cá, bán thóc... gia đình ông thu hơn 300 triệu đồng/năm.

 

Ông Hồ Sông Giàng, bản Sa Lông 2, xã Sa Lông cho cá ăn.

Một triệu phú chân đất khác là anh Lò Văn Hoán, bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn. Cũng có xuất phát điểm như bao hộ nông dân khác, nhưng anh Hoán lại chọn hướng khởi nghiệp từ chăn nuôi dê. Với số tiền 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mua 10 con dê về nuôi, số tiền còn lại, anh đào thêm 500m2 ao thả cá, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Chưa có kinh nghiệm chăn nuôi dê nên anh chịu khó tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện... tổ chức. Ngoài ra, anh còn tự tìm tòi, học hỏi trên sách báo để có thêm kinh nghiệm. Sau một thời gian tập trung phát triển chăn nuôi, đàn dê nhà anh khỏe mạnh và sinh trưởng tốt, từ 10 con ban đầu nay đã phát triển thành 150 con. Phấn khởi vì kết quả đạt được bước đầu, anh đã trả được nợ và mua thêm trâu, bò để mở rộng chăn nuôi. Cứ có vốn anh lại đầu tư đào thêm ao, khai hoang thêm ruộng, mua máy móc... Đến nay, gia đình anh có 35 con trâu, bò, 30 con dê, 15 con lợn thịt, 100 con gia cầm các loại, hơn 1.000m2 ao cá... cho thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng/năm.

Bà Lò Thị Bua, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Chà, cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2016, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ đầu năm đến nay,  hơn 180 hộ gia đình được công nhận hộ SXKDG; trong đó, cấp Trung ương 2 hộ, cấp tỉnh 6 hộ, cấp huyện 57 hộ, cấp cơ sở 84 hộ. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh trên 120 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-10 lao động, thu nhập hàng tháng từ 3-4 triệu đồng/người. Ngoài 2 tấm gương kể trên còn có nhiều tấm gương nông dân vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành hộ SXKDG, điển hình, như: Giàng Vảng Sùng (xã Huổi Lèng), Chàng Thị Sương, Giàng A Kỷ (xã Nậm Nèn), Tòng Văn Hùng (xã Na Sang)… với mô hình VACR. Nhiều nông dân quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới phá vỡ thế độc canh các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình đa canh tổng hợp, cải tạo và nâng cao chất lượng sản xuất rau an toàn tại thị trấn Mường Chà của gia đình ông Lò Văn Chung (xã Mường Tùng), Lường Văn Pánh (xã Na Sang)...

Có thể nói, Phong trào nông dân SXKDG tại huyện Mường Chà thực sự tạo một luồng sinh khí mới, động viên nông dân tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của huyện. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu nông sản hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top