Mường Ảng tăng cường giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn

15:10 - Thứ Sáu, 02/12/2016 Lượt xem: 3171 In bài viết
ĐBP - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn từ nay đến năm 2020, huyện Mường Ảng xác định: Chú trọng công tác khai hoang mở rộng diện tích sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và sản lượng các loại cây trồng. 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp đạt 6,1%/năm; tổng sản lượng lương thực trên địa bàn huyện đạt 20.820 tấn; lương thực bình quân đạt 415kg/người/năm; diện tích lúa đạt 3.435ha (hiện nay có 3.264ha); năng suất đạt 46,4 tạ/ha...

 
Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2012 - 2015 về nông nghiệp, nông thôn, mỗi năm huyện được đầu tư hàng chục tỷ đồng triển khai phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện tương đối chậm, thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Tính đến cuối năm 2015, việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI về nông nghiệp, nông thôn đều không hoàn thành. Trong đó, việc thực hiện chỉ tiêu về tổng sản lượng lương thực có kết quả đạt cao nhất mới ở ngưỡng 96,9%; còn lại hầu hết các chỉ tiêu khác: Lương thực bình quân đầu người, diện tích lúa nước 2 vụ, năng suất lúa nước... đều có kết quả thực hiện thấp.

 

Người dân xã Ẳng Cang nạo vét kênh, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích lúa. Ảnh: Đức Huy

Nguyên nhân của những hạn chế được xác định: Việc thực hiện đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập: Chất lượng đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi kém, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao. Mà biểu hiện điển hình là: suất đầu tư lớn, hiệu quả thấp, một số công trình thủy lợi thiếu an toàn, xuống cấp nhanh, gây ô nhiễm và lãng phí nguồn nước... Theo đánh giá từ UBND huyện Mường Ảng: Trên địa bàn có trên 30% công trình thủy lợi sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng chưa đáp ứng công suất thiết kế tưới; một số công trình mới đưa vào vận hành đã xuống cấp, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Điển hình là công trình Thủy lợi Huổi Chỏn, xã Ẳng Tở, với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng, công trình có công suất thiết kế tưới 30ha lúa mùa và 10ha lúa chiêm, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng đến nay, tổng diện tích dân khai hoang chưa đạt 10ha. Thực tế này xuất phát từ nguyên nhân, ở một số nơi, người dân còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước chưa chủ động khai hoang mở rộng diện tích bãi tưới. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn mang tính dàn trải, một số công trình, dự án có suất đầu tư thấp nên công trình không kiên cố, thiếu đồng bộ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Việc phân cấp quản lý, khai thác, sử dụng chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng một số công trình thủy lợi chưa có chủ sở hữu thực sự… Đây là những lý do chính dẫn đến hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ sản xuất ở một số nơi chưa hiệu quả; chưa xuất phát từ nhu cầu thị trường. Thậm chí có nơi việc hỗ trợ giống cây trồng còn chậm thời vụ gây bức xúc trong nhân dân. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển sản xuất nông nghiệp của cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế, lúng túng; có nơi rất thụ động...  

 Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Mường Ảng đã xây dựng chương trình hành động với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, bám sát nghị quyết của Đảng nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là kiên cố hóa mạng lưới thủy lợi nhằm mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp. Các công trình chuẩn bị đầu tư, huyện chú trọng tới đối tượng sử dụng và chất lượng công trình. Trước khi tiến hành đầu tư xây dựng, huyện bám sát quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi gắn với khai hoang. Việc hỗ trợ sản xuất cho nông dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình 135 giai đoạn III; Nghị quyết 30a; xây dựng nông thôn mới... cũng được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Việc hỗ trợ xuất phát từ nguyện vọng của các hộ dân được thụ hưởng. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác hỗ trợ phải cung cấp cho nông dân về thông tin thị trường; tư vấn hỗ trợ nông dân cách lựa chọn, tiếp nhận loại hình hỗ trợ; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân làm chủ quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top