Việt Nam trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA

16:07 - Chủ Nhật, 04/12/2016 Lượt xem: 2552 In bài viết

Chiều 2-12, lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 20 năm ngày mở Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một trong những thành viên sáng lập của ADB, Việt Nam luôn tích cực đóng góp vào sự phát triển của ADB, coi trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó, hiệu quả với ADB. Việt Nam coi ADB là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách cho Việt Nam.

Theo Thủ tướng, việc ADB mở Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam vào tháng 12-1996 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - ADB. Kể từ đó đến nay, Cơ quan đại diện thường trú ADB đã đóng vai trò là cầu nối, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - ADB lên tầm cao mới. Hai bên đã ký kết, thực hiện trên 160 chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD (bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi). Các dự án tài trợ của ADB tại Việt Nam rất đa dạng, hướng vào hỗ trợ tăng trưởng đồng đều, bền vững và được triển khai một cách hiệu quả, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. ADB không chỉ là nhà tài trợ mà còn là đối tác trao đổi, tham vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Eric Sidgwick quà lưu niệm tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ADB.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình cải cách; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong dài hạn. Trong tiến trình đó, Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chống thất thoát, lãng phí, trong đó có nguồn vốn của ADB. Việt Nam mong muốn ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như: Tiểu vùng Mê Công; Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS); Hợp tác 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) và Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam rất coi trọng và hy vọng ADB nói chung, Cơ quan đại diện thường trú ADB nói riêng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để thực hiện thành công Chiến lược đối tác quốc gia ADB - Việt Nam 2016 - 2020, nhất là ký kết và triển khai hiệu quả nguồn vốn tài trợ 1 - 1,5 tỷ USD hàng năm như đã cam kết giữa lãnh đạo cấp cao của ADB và Việt Nam.

Về phía ADB, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định, ADB cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho Việt Nam thông qua khuyến khích tạo việc làm và tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng cường tính bao trùm của cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ; đồng thời cải thiện tính bền vững về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top