Cần nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP

09:24 - Thứ Sáu, 06/01/2017 Lượt xem: 7571 In bài viết
ĐBP - Vụ thu đông 2016, Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng VietGAP tại 2 đội 18, 19, xã Noong Luống, huyện Điện Biên trên diện tích 4ha, với 35 hộ tham gia trồng 4 loại rau: cà chua, bắp cải, đỗ leo, dưa chuột. Sau gần 4 tháng thực hiện (tháng 8 - 12), mô hình đã được tổng kết, đánh giá. Kết quả, mô hình không chỉ đạt năng suất, lợi nhuận cao mà quan trọng hơn là giúp nông dân tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Nguyễn Đức Trường, ở đội 18, xã Noong Luống, một trong những người tham gia mô hình với diện tích 1.000m2. Anh Trường cho biết: Gia đình tôi trồng rau đã nhiều năm nay nhưng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm nên năng suất chưa cao. Khi tham gia mô hình, tôi được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc RAT nhưng quan trọng nhất là phải sử dụng giống chất lượng tốt, bón phân cân đối hợp lý, phòng trừ sâu bệnh đúng thời vụ, đúng thuốc, đúng bệnh và phải bảo đảm thời gian cách ly an toàn. Tuy nhiên, sản xuất RAT theo hướng VietGAP tốn nhiều ngày công hơn so với phương thức truyền thống. Ví dụ trước đây làm cỏ thì chỉ cần 15 phút phun thuốc diệt cỏ là xong, nhưng sản xuất theo hướng VietGAP mất 1,5 ngày công làm cỏ theo phương pháp thủ công. Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sẽ thu gom bao bì để mang đi đến các bể chứa theo đúng quy trình.

 

Mô hình sản xuất RAT theo hướng VietGAP tại đội 18, 19, xã Noong Luống, huyện Điện Biên.

Trồng RAT khác với trồng rau thông thường là yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí về RAT. Vì vậy, trong quá trình tham gia mô hình, người sản xuất không chỉ được hỗ trợ về giống, phân bón mà được hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu vệ sinh đồng ruộng, làm đất và trong quá trình phát triển của cây trồng. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng các loại thuốc BTVT được phép sử dụng trên cây rau và bảo đảm thời gian cách ly an toàn cho môi trường và người tiêu dùng. Đến nay, sau khi kết thúc mô hình, 90% số hộ làm đất đạt yêu cầu của quy trình, 80% số hộ làm cỏ bằng tay (3 lần/vụ), 100% số hộ xử lý ngâm ủ hạt giống theo hướng dẫn, ủ phân chuồng hoai mục, dùng phân hữu cơ sinh học bón lót, 85% hộ dân đã dùng đúng thuốc, đúng bệnh và chỉ khi có sâu bệnh mới phun thuốc BVTV, thu hoạch sản phẩm đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, thực hiện mô hình này đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác rau của người dân như: Sử dụng các loại phân vi sinh để cải tạo đất; ghi chép nhật ký canh tác để sản phẩm có thể truy nguyên nguồn gốc; 90% số hộ thu gom vỏ thuốc BVTV sau sử dụng vào các điểm quy định.

Bà Phạm Thị Dung, đội 18, xã Noong Luống, cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi có 1.000m2 trồng 3 loại rau là đỗ leo, bắp cải, cà chua. Các hộ được hướng dẫn phương pháp ủ phân vi sinh hữu cơ, tuy tốn công nhưng năng suất cao hơn phương pháp thông thường. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ còn hạn chế, các hộ trồng rau như gia đình tôi thường xuyên bán cho thương lái hoặc tự mang bán tại các chợ trên địa bàn với giá thành ngang với rau sản xuất theo phương pháp thông thường.

Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Mô hình bước đầu đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, giúp người dân liên kết với các tổ chức, đại lý tiêu để thụ sản phẩm như Siêu thị Hoa Ba, Công ty TNHH Safe Green. Trong đó Siêu thị Hoa Ba đã ký cam kết với xã về tiêu thụ sản phẩm RAT trong mô hình. Để RAT có chỗ đứng, niềm tin đối với người tiêu dùng, những mô hình như vậy cần được tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng. Đây là hướng phát triển đảm bảo nguồn rau sạch cung cấp cho thị trường sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân. Để mô hình được hiệu quả lâu dài, cơ quan chuyên môn cần có quy hoạch cụ thể về vùng chuyên canh rau, hướng dẫn về kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ của RAT; tạo cơ sở để sản xuất rau theo các tiêu chuẩn cao hơn, hướng tới một nền sản xuất sạch và bền vững.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top