Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng ở xã biên giới Chung Chải

09:00 - Thứ Sáu, 13/01/2017 Lượt xem: 7340 In bài viết
ĐBP - Chung Chải là xã nghèo của huyện Mường Nhé, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, nhu cầu được sử dụng những sản phẩm hàng hóa giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo càng trở nên cấp thiết. Những năm gần đây, với ưu điểm giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo, các mặt hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất đang ngày càng được người dân xã Chung Chải ưu tiên lựa chọn.

Tại khu vực trung tâm xã Chung Chải hiện có khoảng 10 cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Qua khảo sát, không khó để nhận thấy tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam sản xuất đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn với chủng loại và mẫu mã đa dạng như: dầu ăn, nước mắm, bia, nước ngọt, mì tôm, đồ nhựa gia dụng, sữa…

 

Người dân chọn mua hàng tại cửa hàng tạp hóa khu vực trung tâm xã Chung Chải.

Với kinh nghiệm 7 năm buôn bán hàng tạp hóa ở xã Chung Chải, chị Nguyễn Thị Thêm cho biết: Trước đây hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc luôn là lựa chọn của người dân trên địa bàn do hàng Trung Quốc thường có nguồn cung dồi dào, giá thành rẻ, mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Trong khi đó, mặt hàng được sản xuất trong nước thường có giá thành cao hơn, nguồn cung hạn chế. Chính điều này đã hấp dẫn những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hàng Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của người dân nông thôn nên mức tiêu thụ ngày một tăng. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến khích dùng hàng Việt của Nhà nước đã giúp bà con nhận thức được dùng hàng Việt an toàn, chất lượng hơn. Giờ đây, người dân không chỉ mua được hàng với giá phù hợp mà còn đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm.

Anh Sừng Sừng Pò cho biết: Nhiều mặt hàng Việt Nam bây giờ có chất lượng tốt, mẫu mã cũng phong phú, giá cả phù hợp để lựa chọn, quan trọng hơn cả là trên bao bì sản phẩm có in hướng dẫn về cách sử dụng, công dụng của từng loại hàng hóa và có địa chỉ sản xuất rõ ràng, nên tôi thấy yên tâm.

Ngoài khu vực trung tâm, xã Chung Chải còn hàng chục cửa hàng tạp hóa rải rác ở các bản. Xác định đây là “kênh” đưa hàng Việt về nông thôn vùng sâu vùng xa hiệu quả nhất, nên huyện Mường Nhé luôn chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại, phân phối lưu thông hàng hóa trên địa bàn, nhất là ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và thói quen sử dụng hàng nội địa của bà con, nhưng trở ngại lớn nhất trong việc đưa hàng Việt lên vùng cao là giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển lớn nên giá thành cao. Công tác tuyên truyền mặc dù được triển khai song còn hạn chế, một số hội chợ đưa hàng Việt lên vùng cao mới chỉ được mở trên khu vực lối mở A Pa Chải nên nhiều người dân ở xa chưa có điều kiện tiếp cận. Bên cạnh những mặt hàng nội địa giá rẻ, chất lượng đảm bảo vẫn còn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, song song với đẩy mạnh vận động sử dụng hàng Việt, đòi hỏi các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm định chất lượng hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Có như vậy, các sản phẩm do Việt Nam sản xuất mới được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, góp phần để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top