Hoạt động của các HTX kiểu mới

Phát huy vai trị “bà đỡ”

08:57 - Thứ Năm, 23/02/2017 Lượt xem: 6194 In bài viết
ĐBP - Theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều HTX kiểu mới được thành lập hoặc củng cố lại bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, làm ăn có hiệu quả, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và trở thành “bà đỡ” cho kinh tế hộ.

Toàn tỉnh hiện có 119/193 HTX kiểu mới với hơn 12.400 thành viên. So với HTX cũ thì mô hình HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012 có nhiều điểm mới, như các loại hình dịch vụ của HTX kiểu mới đều phải hạch toán và sinh lãi trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình. Nếu từng hộ hoạt động nhỏ lẻ sẽ khó sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, bởi gặp khó khăn về tín dụng, năng lực sản xuất và nhiều yếu tố khác. Trong khi HTX có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đủ lớn để đầu tư hạ tầng, xây dựng lò sấy, kho bãi, cơ sở chế biến, đóng gói bao bì... HTX “mua chung” vật tư đầu vào, “dùng chung” dịch vụ, máy móc sẽ giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho nông dân. Ngoài ra, hộ riêng lẻ sẽ khó tiếp cận thị trường, nhưng HTX dễ dàng liên kết với doanh nghiệp hơn, bởi có lượng hàng hóa đủ lớn và có điều kiện xây dựng thương hiệu...

 

Cán bộ Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông kiểm tra độ tăng trưởng của cá tầm tại hồ thủy lợi Pe Luông.

HTX Sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái, tại đội 5, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên thành lập tháng 5/2016 với 7 thành viên, vốn điều lệ 900 triệu đồng. Mặt hàng của HTX là bánh khẩu xén từ gạo nếp nương Điện Biên, với mục tiêu tạo nên 1 sản phẩm quà tặng du lịch gọn nhẹ, vừa túi tiền, góp phần bảo tồn văn hóa ẩm thực dân tộc Thái và quảng bá đặc sản địa phương. Khi chưa hoạt động thành tổ chức, những người nhiệt huyết với ý tưởng này trải qua không ít khó khăn vì phải tự tay mang sản phẩm đi giới thiệu khắp các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn. Sau khi thành lập HTX Sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái, các thành viên được phân chia công việc cụ thể, gắn trách nhiệm với lợi ích, sản phẩm cũng được nhiều người biết đến hơn, đầu ra của sản phẩm dần ổn định. Đó không chỉ là thành quả nỗ lực của các thành viên mà còn có sự quan tâm, giúp đỡ, tham gia giới thiệu bánh khẩu xén của các cơ quan, ban ngành địa phương trong các dịp đặc biệt, hội thảo, trưng bày hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, tính từ khi thử nghiệm sản phẩm, HTX thu nhập hơn 300 triệu đồng, tạo niềm tin và phấn khởi cho các thành viên. “Do nhà xưởng còn hạn hẹp nên vào mùa du lịch và dịp tết nguyên đán, HTX sản xuất còn không đủ bán. Với những chính sách ưu đãi cho HTX kiểu mới, chúng tôi sẽ đề xuất vay vốn để mở rộng sản xuất, phát triển HTX hơn nữa” - chị Vương Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái chia sẻ.

Không chỉ các HTX mới thành lập mà các HTX cũ chuyển đổi cũng có nhiều thuận lợi hơn, đề cao mục tiêu phục vụ nhu cầu, quyền lợi của thành viên. Thay đổi rõ ràng nhất có thể nhận thấy ở các HTX cung ứng vật tư, phân bón nông nghiệp. Theo mô hình mới, trước hết các HTX này phải đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng của các thành viên trước khi xuất bán ra thị trường, tỷ lệ cung ứng hàng hóa ra bên ngoài không vượt quá 32% tổng số cung ứng của HTX và thành viên được chia lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ. Nhưng cái được lớn nhất của các HTX sau chuyển đổi có lẽ là sự thay đổi nhận thức của chính thành viên về mô hình kinh tế tập thể này. Bởi HTX hoạt động theo phương thức tự chủ, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm, chú trọng vấn đề công khai minh bạch, dân chủ, trong đó các kế hoạch phát triển lớn của HTX đều có sự tham gia bàn bạc và góp ý kiến của thành viên. Sẽ không còn những HTX toàn xã theo kiểu “cha chung không ai khóc” mà các thành viên HTX được lựa chọn lại, tự bỏ tiền ra góp vốn đầu tư, tham gia thực chất, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hơn.

Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) chuyển đổi theo luật từ năm 2016. Đây cũng là năm HTX có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thị trường, đưa giống mới vào sản xuất. Trong năm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tư vấn, giúp đỡ HTX chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia với kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Đến nay, cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2016, tổng lượng cá thương phẩm xuất ra thị trường của HTX Thủy sản Pe Luông đạt hơn 20 tấn cùng hơn 100 triệu đồng tiền cá giống cho các bản vùng cao nằm trong dự án hỗ trợ của Nhà nước. Ông Nguyễn Thế Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thủy sản Pe Luông, cho biết: “Thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, chúng tôi có nhiều điều kiện hơn về vay vốn, thị trường cũng ngày càng mở rộng, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo quyền lợi của các thành viên”.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh năm 2016, lợi nhuận bình quân 1 HTX kiểu mới ước đạt khoảng 150 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng toàn tỉnh vẫn còn 74 HTX chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi, đăng ký lại theo quy định của Luật HTX năm 2012, trong đó khoảng 80% HTX ngừng hoạt động. Và trong 119 HTX kiểu mới chỉ có khoảng 42 HTX (35,3%) hoạt động hiệu quả. Điều này cho thấy, để phát huy hơn nữa vị trí và vai trò của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế tập thể, vẫn còn cả chặng đường dài khó khăn phía trước. Bà Nguyễn Thị Vy, Phó Trưởng phòng Tư vấn hỗ trợ kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh, cho rằng: Rào cản lớn của tiến trình này là nhận thức về vị trí và vai trò hoạt động của kinh tế hợp tác của người dân cũng như cán bộ quản lý chưa cao; nhiều nông dân còn thiếu niềm tin vào HTX; vốn cho sản xuất kinh doanh thiếu, điều kiện tiếp cận vốn không đảm bảo… Trước những khó khăn trên, Liên minh HTX tỉnh đang tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích thực sự của mô hình HTX kiểu mới; tiến hành rà soát, phân loại các HTX để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ, giúp cho thành viên HTX được hưởng lợi; phân công cán bộ trực tiếp về cơ sở tìm hiểu, vận động các cá nhân, nhóm hộ, tổ hợp tác làm kinh tế giỏi tham gia thành lập HTX; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX về đào tạo, bồi dưỡng, vay vốn, xúc tiến thương mại… Liên minh HTX tỉnh phấn đấu năm 2017 thành lập từ 20 HTX và 20 tổ hợp tác trở lên, xây dựng 2 – 3 mô hình HTX kiểu mới làm điểm, trong đó chú trọng xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ hàng hóa để người dân thêm niềm tin và thực sự mặn mà với loại hình tập thể này.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top