Cà phê Mường Ảng

Chất lượng là yếu tố hàng đầu

08:51 - Thứ Sáu, 03/03/2017 Lượt xem: 6589 In bài viết
ĐBP - Giá cà phê trong vài năm qua bấp bênh, cá biệt từ niên vụ từ 2012 đến niên vụ 2015 - 2016 giá giảm mạnh, là khó khăn không nhỏ với người trồng cà phê Mường Ảng. Tín hiệu đáng mừng là niên vụ 2016 - 2017 giá cà phê bước đầu “khởi sắc”.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng khẳng định: Dù có trải qua nhiều thăng trầm nhưng với người Mường Ảng, cà phê vẫn là cây xóa đói giảm nghèo và là cây “mũi nhọn” trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Bởi từ trước đến nay, không có dự án đầu tư nào trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn mà đem lại hiệu quả xã hội lớn như cây cà phê. Ông Hiệp phân tích, với 3.449ha cà phê (trong đó, 3.200ha cà phê kinh doanh), hàng năm tạo việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông trên địa bàn và các vùng lân cận khi tham gia trồng mới, chăm sóc, thu hái cà phê. Với mức tính bình quân đơn giá cho công làm cỏ, bón phân và tỉa cành: 15 triệu đồng/ha; thu hái: 2.000 đồng/kg quả tươi; đào hố, trồng mới: 30 triệu đồng/ha... Tổng thu nhập của lao động phổ thông đạt hơn 120 tỷ đồng, đặc biệt đã giúp các hộ nghèo có điều kiện từng bước xóa đói giảm nghèo. Thu nhập ấy góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2011 - 2016 trung bình từ 4 - 6%/năm. Chính hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rõ rệt từ cây cà phê đem lại nên quan điểm, chủ trương phát triển cây và phê của huyện Mường Ảng là đảm bảo chăm sóc giữ nguyên diện tích hiện có và tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không khuyến khích những hộ không có tiềm lực, điều kiện kinh tế trồng mới, bởi suất đầu tư chăm sóc cho cây cà phê là rất lớn.

 

Nông dân xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) thu hoạch cà phê.

Người trồng cà phê Mường Ảng hiện đang được hỗ trợ 100% giá trị cây giống (đối với diện tích trồng mới); hỗ trợ cây che bóng cho diện tích cà phê và hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện theo chính sách từ Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chính sách này không chỉ giúp người dân giảm chi phí đầu tư ban đầu trong công tác trồng mới, bảo vệ diện tích cà phê đã trồng mà còn giúp việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê thuận lợi hơn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 30a cho hoạt động giới thiệu sản phẩm theo hình thức tham gia các hội chợ, quà tặng, đồ uống phục vụ các ngày lễ, các sự kiện chính trị trên địa bàn huyện, tỉnh, UBND huyện đã bố trí kinh phí để xây dựng gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương. Nhờ đó, sản phẩm cà phê Mường Ảng có mặt tại hầu khắp các hội chợ trong và ngoài tỉnh; thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tại các vùng cà phê truyền thống (Tây Nguyên) để hỗ trợ và liên kết thu mua sản phẩm cho người dân.

Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ, nhiều năm qua huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống cà phê. Chú trọng công tác tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng và lợi ích của việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng UTZ, 4C, VietGap... tạo ra sản phẩm cà phê sạch; đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê vào địa bàn theo công nghệ tiên tiến, công suất hợp lý để thu mua sản phẩm cho người dân và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Trong khâu chế biến sản phẩm, vài năm trở lại đây Công ty TNHH Hải An, Doanh nghiệp Tư nhân Đại Bách cùng một số cơ sở khác bắt đầu triển khai thực hiện chế biến cà phê rang xay với công suất đạt 3,5 tấn sản phẩm/năm, từng bước tạo nên thương hiệu cà phê rang xay Mường Ảng. Ông Trương Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Hải An cho biết: Công ty hiện có 17ha cà phê kinh doanh áp dụng quy trình trồng, chăm sóc đến chế biến theo tiêu chuẩn 4C - sản xuất cà phê bền vững. Đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, đơn vị đầu tư dây chuyền chế biến chuyên sâu một số dòng sản phẩm: Cà phê pha phin và cà phê túi lọc. Năm 2016, Công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 10 tấn sản phẩm cà phê pha phin. Đặc biệt việc đưa ra thị trường sản phẩm Cà phê túi lọc Hải An vào cuối năm 2016 nhận được phản hồi rất tốt từ phía khách hàng. Đến nay, đã tiêu thụ hơn 2 tấn sản phẩm. Ông Trương Văn An cho biết: Cà phê túi lọc Hải An là sản phẩm cà phê nguyên chất, không pha trộn, không sử dụng chất phụ gia, không chất bảo quản; sử dụng công nghệ rang xay hiện đại của Châu Âu nên giữ được hương vị đặc trưng của cà phê Arabica. Và thị trường tiêu thụ của sản phẩm này chủ yếu ở Hà Nội. Đẩy mạnh công tác quản bá, giới thiệu sản phẩm, hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp liên kết với Công ty Lữ hành Saigon Touris mở một gian hàng giới thiệu sản phẩm. Đầu tháng 3/2017, Công ty sẽ mở gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại TP. Điện Biên Phủ trong thời gian diễn ra Lễ hội Hoa ban và khi Trạm Dừng chân trên đèo Tằng Quái đi vào hoạt động, Công ty sẽ đề nghị với huyện Mường Ảng mở gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Cà phê Mường Ảng...

Với những người tâm huyết với cây cà phê Mường Ảng và mong muốn giới thiệu đến bạn bè gần xa biết đến thương hiệu “Cà phê Mường Ảng” bằng cách này hay cách khác và với hương vị thơm ngon đặc biệt vốn có mà xứ sở Mường Ảng ban tặng, tin rằng cà phê Mường Ảng sẽ tiếp tục thơm hương và bay xa.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top