“Cháy” hết mình vì ước mơ làm giàu

09:16 - Thứ Năm, 23/03/2017 Lượt xem: 10080 In bài viết
ĐBP - Khởi nghiệp muộn nhưng thành quả đạt được đến thời điểm hiện tại của anh Phạm Anh Dũng (sinh năm 1982), đội 7, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên khiến nhiều người phải thán phục và ngưỡng mộ. Với tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, anh đã xây dựng được mô hình trang trại có quy mô lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động, được Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.

Từ bỏ công việc văn phòng ổn định, năm 2013, anh Phạm Anh Dũng khởi nghiệp với vườn cây gấc khi hơn 30 tuổi. Khi ấy, cả gia đình, bạn bè của anh đều không ủng hộ, cho rằng thật ngược đời khi cán bộ Nhà nước ở một cơ quan danh giá lại nghỉ việc về làm nông dân, ngày ngày cặm cụi với cây cối, bùn đất, nhưng anh kiên quyết giữ vững quan điểm của mình. Nhớ lại thời điểm ấy, anh Dũng tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã thích cây cối và các con vật nhưng sau này do nhiều lý do mà lại theo học một chuyên ngành không liên quan đến nông nghiệp. Dù vậy sở thích lúc nhỏ vẫn “lớn lên”, tôi không biết từ lúc nào mình đã ấp ủ xây dựng riêng 1 trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Ước mơ này luôn thôi thúc tôi bắt tay vào thực hiện đam mê của mình”. Trước khi quyết định trồng gấc, anh Dũng đã bỏ nhiều thời gian và công sức đi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt ở các tỉnh miền xuôi, vì vậy anh không chỉ có kỹ thuật trồng gấc tốt, cho quả sai, chất lượng cao mà còn tìm được đầu ra ổn định cho công ty chuyên sản xuất dược phẩm từ gấc. Mỗi năm, 10 tấn gấc của gia đình anh đều không phải lo đầu ra. Đồng thời, anh trồng đinh lăng dưới các giàn gấc để tận dụng đất và tăng thêm thu nhập. Nhưng sau hơn 2 năm thực hiện ước mơ, anh đột ngột bỏ trồng gấc vì không vận động được các hộ dân khác cùng trồng để tăng lượng cung, giảm chi phí vận chuyển gấc cho nhà máy, do người dân lo không có đầu ra cho nông sản như một số dự án cây trồng khác trên địa bàn. Lúc này, anh quyết định tìm hướng đi mới, giữ lại gần 1.000 gốc đinh lăng, dỡ bỏ toàn bộ gấc, rồi quy hoạch lại nông trại để phát triển chăn nuôi.

 

Anh Phạm Anh Dũng chăm sóc chim bồ câu.

Cầm 500 triệu tiền tích góp của gia đình và vay ngân hàng trong tay, anh Dũng không khỏi lo lắng suy nghĩ làm thế nào để sử dụng đồng vốn hiệu quả. Anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại và mua gà, ngan giống. Những lứa gà, ngan đầu tiên, cả nghìn con nhưng chết đến hơn nửa vì anh chưa biết cách chăm sóc, phòng trị bệnh kịp thời. Bố mẹ cùng vợ anh hoang mang, lại càng thêm phản đối hướng đi của anh. “Tôi luôn tự răn mình phải kiên trì, không được chán nản, bỏ cuộc, ngã ở đâu phải tự đứng lên ở đó. Vì vậy tôi đến khắp các cửa hàng thú y xin tư vấn, hướng dẫn, rồi thức trắng đêm lên mạng internet, tìm sách, báo về các loại bệnh và cách phòng, trị bệnh cho gia cầm” - anh Dũng tâm sự thêm. Cứ thế, kiến thức chăn nuôi của anh ngày càng được tích lũy, đàn gà, ngan của gia đình cũng dần phát triển ổn định. Khi việc chăn nuôi đã thuận lợi, anh đầu tư nuôi thêm chim bồ câu và thỏ. Đến nay, anh đang sở hữu trang trại gần 2ha, trong đó trồng hơn 1.000 gốc đinh lăng, nuôi 1.000 con chim bồ câu; hơn 2.000 con ngan, gà; hơn 200 đôi thỏ sinh sản.

Một chiều cuối tuần, khi chúng tôi đến, anh đang bận bắt hơn 50 đôi chim bồ câu cho khách là thương lái trong khu vực TP. Điện Biên Phủ. Khu vực nuôi chim bồ câu của gia đình anh rất quy củ, sạch sẽ, phương pháp nuôi hiện đại, không giống những gia đình khác. Trong gian nhà mái tôn cao, sáng, rộng khoảng 1.000m2, từng dãy lồng 3 tầng dài xếp song song, chim bồ câu được nhốt theo đôi có đánh số để dễ quản lý, kiểm soát chất lượng và thải loại những đôi yếu, chậm phát triển. Vì vậy, chim bồ câu của gia đình anh đều to, khỏe, được thị trường ưa chuộng, thương lái vào tận nơi mua. Do đang nhân giống, mở rộng mô hình nên số chim thịt hiện có còn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Số gà, ngan, thỏ luôn có đầu ra ổn định nhờ anh không ngại đi chào hàng từng nhà hàng, khách sạn, thương lái trên địa bàn nên trang trại của anh được biết đến rộng rãi, sau một vài lần giao dịch được khách hàng tin tưởng và thường xuyên tìm đến. Đến nay, khách hàng của anh không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn có các tỉnh lân cận. Mỗi tháng, trung bình trang trại của anh xuất bán 3 - 4 tấn gà thịt, 500 - 600 đôi chim bồ câu, 5 - 6 tạ thỏ thịt, 1.500 - 2.000 con thỏ giống, còn hơn 1.000 con gà đẻ của gia đình anh cũng chuẩn bị cho lứa trứng đầu tiên. Nhờ vậy, gia đình có nguồn thu nhập ổn định chưa trừ chi phí là 400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 nhân công. Từ những thành quả trên, người thân đã tin tưởng và ủng hộ anh trên con đường làm giàu từ vườn đất quê hương.

Mong ước của anh chưa dừng lại với quy mô kinh tế hiện tại. Dẫn chúng tôi thăm quan trang trại, chỉ tay đến khu đất đang được đào xới làm ao cá nhỏ nhằm tạo không khí mát mẻ cho trang trại, anh Dũng nói: “Mọi thứ với tôi mới chỉ là bắt đầu, thật ngại khi anh chị đến khi còn ngổn ngang thế này. Chỉ 1 năm nữa thôi, mời anh chị quay lại để thấy sự thay đổi quy mô và quy củ hơn”. Anh Dũng cho biết, đang thương lượng mua mảnh đất liền kề rộng gần 2ha để đầu tư chăn nuôi trâu, bò và mở rộng trang trại. Mục tiêu nữa của anh là giúp người dân địa phương phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi để tạo thành tổ hợp chăn nuôi, liên kết giữa các trang trại tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, nhằm phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người nông dân và cung cấp cho người tiêu dùng những nông sản chất lượng cao. Với tinh thần “cháy” hết mình vì đam mê tuổi trẻ, ý chí dám nghĩ, dám làm, tin rằng anh Phạm Anh Dũng sớm đạt được những mục tiêu của riêng mình.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top